Đội tuyển Việt Nam bất ngờ sáng cửa giành vé dự World Cup 2026 |
Cụ thể, theo những thông báo mới nhất được FIFA và Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải, số suất tham dự giải bóng đá thế giới World Cup 2026 của khu vực châu Á sẽ tăng từ 4,5 lên thành 8,5 suất. Trong số này sẽ có 8 đội tuyển được lọt thẳng vào vòng chung kết, một đội sẽ tham dự trận play-off với đại diện của lục địa khác.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc AFC sẽ buộc phải thay đổi thể thức của chiến dịch vòng loại để phù hợp hơn với tình hình. Theo đó, thay vì 12 đội tuyển lọt vào vòng loại thứ 3 (2 bảng đấu) như Vòng loại World Cup 2022 mà con số sẽ nâng lên thành 18 đội góp mặt ở chiến dịch vòng loại 3 với 3 bảng đấu từ giải đấu 2026.
Đội tuyển Việt Nam từng lọt vào vòng loại cuối cùng của World Cup 2022 |
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương đã có những chia sẻ với giới truyền thông: “Trước đây, để vào vòng chung kết World Cup, các đội châu Á sẽ cạnh tranh 4,5 suất/12 đội, giờ sẽ là 8,5 suất/18 đội. 18 đội chia làm 3 bảng, chỉ có hai đội đứng đầu mỗi bảng vào thẳng vòng chung kết, các đội đứng thứ 3 và thứ 4 các bảng sẽ đá tiếp vòng play-off khu vực châu Á, sau đó còn thêm vòng play-off liên lục địa, rất khó khăn".
"8,5 suất nhưng gần như sẽ có 6 đội chắc suất vào vòng chung kết, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia, Australia và Qatar, các đội khác tranh 2,5 suất còn lại. Đối thủ chính của đội tuyển Việt Nam sẽ là Bahrain, Kuwait, Lebanon, Oman, Syria, Uzbekistan, CHDCND Triều Tiên và cả Thái Lan.
Thế nên, theo tính toán của tôi, Đội tuyển Việt Nam thực chất chỉ có 4-5% cơ hội vào vòng chung kết World Cup 2026. Tỷ lệ này lớn hơn nhiều so với tại vòng loại World Cup 2022 (gần như bằng 0), nhưng chưa phải là tỷ lệ chắc chắn".
Đội tuyển Việt Nam và tham vọng dự World Cup 2026 |
Trong khi đó, BLV kỳ cựu Ngô Quang Tùng lại cho rằng đa phần các suất chính thức của khu vực châu Á đã có chủ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia, Saudi Arabia, Iraq... Còn lại các đội cũng nhỉnh hơn hoặc ngang với Việt Nam rất nhiều.
"Cơ hội với tuyển Việt Nam nhưng cũng là cơ hội với Thái Lan, Indonesia, Uzbekistan, Syria, Bahrain, Jordan, Oman... Người ta còn đầu tư hơn mình", BLV Quang Tùng thông tin.
"Điều quan trọng lúc này là chất lượng của các giải Vô địch quốc gia, sự quan tâm tới các tuyến trẻ và bài toán đầu tư cụ thể là bao nhiêu tiền. Các quốc gia đặt mục tiêu dự World Cup họ thường phải chi hàng chục triệu USD. Đó là bài toán không dễ với Việt Nam. Như vậy, cơ hội là có, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ với chúng ta", BLV Quang Tùng cho hay.
Về phía Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh trong chia sẻ về cơ hội tham dự World Cup của ĐT Việt Nam cho biết: Trong Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, có ghi rõ mục tiêu, Đội tuyển Việt Nam nằm trong top 10 bóng đá châu Á. Chỉ khi nào, chúng ta đạt được mục tiêu này thì mới có hy vọng trở thành quốc gia có được 1 trong các suất của châu Á dự World Cup 2026.
Dự World Cup không phải là câu chuyện đơn giản với Đội tuyển Việt Nam nhưng không phải là không thể |
Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này bằng một kế hoạch chuẩn bị hết sức bài bản, chuyên nghiệp và đồng bộ. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng, không chỉ Việt Nam nhìn thấy cơ hội này để tăng mức đầu tư và có sự chuẩn bị thật kỹ mà các nước châu Á khác cũng sẽ chạy đua quyết liệt để có được các suất mà FIFA công bố.
Cuộc cạnh tranh sẽ rất lớn, rất khốc liệt và chúng ta cần phải có sự đầu tư lớn từ VFF nói riêng cũng như ngành thể thao nói chung.
Sẽ là không quá nếu như nói rằng bóng đá Việt Nam dù từng đặt mục tiêu tham dự World Cup 2026, thế nhưng phải thẳng thắn thừa nhận một sự thật rằng khoảng cách hiện tại so với tấm vé dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh vẫn còn tương đối xa. Mọi thứ sẽ cần phải được chuẩn bị một cách chỉn chu nhất, ngay từ khâu tổ chức các giải đấu trẻ cho tới vận hành V.League và sau cùng là tăng cường chất lượng đội tuyển quốc gia.