Mảnh đất gian lao và anh dũng
Theo sử sách ghi chép, Rừng Sác vốn là rừng nguyên sinh ngập mặn thuộc huyện Cần Giờ có diện tích khoảng 710 km2, giới hạn bởi sông Soài Rạp và đường 15, trải từ Nhơn Trạch, Nhà Bè ra biển. Địa hình sông nước hiểm trở với những luồng lạch như mạng nhện khiến nơi đây trở thành một trận đồ “thiên la địa võng” và được chọn làm căn cứ kháng chiến của bộ đội đặc công năm xưa. Trong thời chiến ấy, bất chấp rừng thiêng nước độc những người lính đặc công Rừng Sác vẫn bám trụ kiên cường suốt 9 năm ròng rã để chống lại lính Mỹ và quân đội Sài Gòn. Theo ghi chép, từ năm 1966 đến 30/4/1975, bộ đội đặc công Rừng Sác đã đánh gần 400 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 lính Mỹ và chư hầu; đánh chìm và làm cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu, 13 tàu vận tải, 145 giang thuyền và bắn rơi 29 máy bay trực thăng. Những trận đánh điển hình như Lôi Giang, Giàn Xây, Vàm Sát, Đồng Tròn, kho xăng Nhà Bè… đã từng làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Chòi thông tin của chiến sĩ đặc công rừng sác |
Những thất bại trên chiến trường khiến kẻ thù điên cuồng trút xuống Rừng Sác hơn 4 triệu lít chất hóa học, 2 triệu tấn bom đạn. Cánh rừng chở che cho những chiến sĩ cách mạng trở nên hoang tàn, cây cối chết đè lên nhau, trong tổng số hơn 1.000 chiến sĩ thì có đến 860 đã hy sinh, trong đó có 542 chiến sĩ đến nay vẫn chưa tìm thấy thi hài. Không những thế, bom mìn, chất độc hóa học đã khiến cho hệ động, thực vật rừng ngập mặn hoàn toàn bị biến mất, bởi vậy mà người dân gọi đây là “vùng đất chết”.
Mạnh mẽ chuyển mình
Sau giải phóng, Chiến khu Rừng Sác đã được TP. Hồ Chí Minh cải tạo, phát triển thành khu du lịch sinh thái với 220 loài thực vật bậc cao, trên 700 loài hệ động vật thủy sinh không xương sống; có 11 loài bò sát có tên trong Sách đỏ Việt Nam… Với sự chuyển mình này, căn cứ Rừng Sác được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 15/12/2004, UNESCO cũng đã công nhận đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động, thực vật đa dạng, độc đáo, điển hình của vùng ngập mặn.
Mô hình chiến sĩ đặc công nghiên cứu trận đánh kho xăng Nhà Bè |
Ông Lê Văn Sinh - Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ - cho biết, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (hay còn gọi là Rừng Sác) hiện nay đang được xem là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ.
Theo lời kể của ông Sinh, thời chiến tranh chống Mỹ, cả khu vực đảo khỉ Cần Giờ bị chất độc dioxin tàn phá. Năm 1978, đơn vị đã kiên nhẫn trồng lại rừng, nhằm khôi phục hệ sinh thái bản địa. Đầu năm 1990, một người dân đi rừng phát hiện ra dấu vết của khỉ, nhưng lúc ấy không ai tin có loài vật nào sống được trên vùng đất vừa bị chất độc dioxin tàn phá. Mãi đến năm 1995, sau một thời gian theo dõi và dụ dỗ, bầy khỉ mới về đây, lúc ấy cả khu rừng chỉ có 250 con khỉ, gồm 3 bầy. Từ đó, người ta bắt đầu tin vùng đất này thực sự hồi sinh. Hiện nay, ở đảo khỉ số lượng đã tăng lên hơn 2.000 con, chúng sống gần gũi con người và rất hiếu động. Sau khi tham quan đảo khỉ, du khách có thể trải nghiệm dịch vụ đi thuyền trên các con lạch, thuyền câu cá, đi sâu vào bên trong rừng đước để khám phá hệ sinh thái ở đây.
Du khách tham quan khu du lịch sinh thái Cần Giờ |
Thống kê của quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cho hay, lượng khách du lịch đến đảo khỉ hàng năm đều tăng, những ngày lễ, ngày cuối tuần số lượng khách mua vé tham quan lên đến hơn 5.000 người. Trung bình một ngày, đảo khỉ đón khoảng 1.500 lượt khách tham quan.
Có được thành quả này là nhờ những nỗ lực của các cấp chính quyền, công sức của hàng triệu người con TP. Hồ Chí Minh đã cống hiến để tái tạo lại màu xanh cho rừng. Từ đó hồi sinh cho “vùng đất chết” trở thành một điểm tham quan hấp dẫn có giá trị lịch sử và giáo dục về truyền thống chiến đấu anh dũng của quân dân Nam bộ.
Trước chiến tranh, Cần Giờ thuộc tỉnh Đồng Nai và là khu rừng ngập mặn với quần thể động, thực vật phong phú. Trong chiến tranh bom đạn và chất độc hóa học đã làm nơi đây trở thành “vùng đất chết”. Năm 1978, Cần Giờ được sáp nhập về TP. Hồ Chí Minh và được quy hoạch, phát triển thành khu du lịch sinh thái. Ở đây có nhiều hoạt động du lịch thú vị như tham quan đầm dơi, đi thuyền trên sông, thăm sân chim với rất nhiều loài chim sinh sống, tiếp xúc với đàn khỉ hoang dã, tìm hiểu về hệ thực vật... |