Những phiên chợ đậm sắc màu ở cao nguyên đá Hà Giang Chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi |
Thoát nghèo nhờ nuôi bò vỗ béo
Từ bao đời nay, người vùng cao núi đá Hà Giang chủ yếu chỉ biết trồng ngô làm lương thực, tuy nhiên giờ đây điều đó đã thay đổi khi mà với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nhiều mô hình chăn nuôi, làm kinh tế giỏi đã hình thành, qua đó đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao núi đá Hà Giang đã từng bước thoát nghèo.
Là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Tả Lủng ( Đồng Văn) ông Lầu Chứ Pó - dân tộc Mông ở thôn Đề Lía - cho biết: Trước kia việc chăn nuôi, chăm sóc con bò rất khó khăn và vất vả, hàng ngày các gia đình đều phải có một đến hai người đi vào rừng cắt cỏ về cho bò ăn thêm, vào mùa đông ở vùng cao nguyên đá cỏ rất hiếm, cùng với đó dịch bệnh thường xuyên, thời tiết khắc nghiệt, vào mùa đông hiện tượng bò chết rét thường xảy ra. Tuy nhiên những năm gần đây, nhờ được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, việc chăn nuôi bò của người dân trên địa bàn xã Tả Lủng đã thuận lợi hơn. Các hộ dân được hỗ trợ vay vốn mua bò, được hỗ trợ giống cỏ, được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách trồng cỏ, nuôi bò xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu, đàn bò được tiêm phòng đầy đủ các loại thuốc.
Nhiều gia đình ở Đồng Văn đã thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò vỗ béo |
Được sự hướng dẫn của cán bộ xã, huyện, nhiều hộ dân ở Tả Lủng đã tham gia “Thực hiện mô hình chăn nuôi bò vỗ béo”. Theo đó, các hộ dân tham gia mô hình đã được hướng dẫn cách trồng và chế biến cỏ làm thức ăn cho bò trong mùa rét, thực hiện nuôi bò vỗ béo để trở thành hóa tăng thu nhập cho nông hộ.
Hộ nông dân tại xã đã vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư vay vốn để mua con giống, chuyển đổi đất nương trồng ngô xấu sang trồng cỏ, mua thềm bò cái sinh sản để phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống.
Với sự hỗ trợ từ vốn, kỹ thuật của chính quyền địa phương và hội nông dân, kết quả ở Tả Lủng cho thấy, các mô hình nuôi bò vỗ béo đã đem lại thu nhập thêm cho các hộ gia đình từ 30-40 triệu đồng/năm với 4 lứa bò xuất/hộ gia đình/2 con bò/lần xuất, (một con bò sau khi xuất bán đã trừ chi phí lãi 5-8 triệu đồng).
Kết quả này đã thu hút được đông đảo người dân trên địa bàn Tả Lủng tham gia. Chia sẻ từ kinh nghiệm của mình ông Lầu Chứ Pó cho biết: "Tôi thấy muốn cỏ tốt thì phải chăm sóc nó như cây ngô, cũng phải được chăm sóc, được làm cỏ dại. Số diện tích cỏ tôi trồng lúc đầu đã cho thu hoạch và có thể để làm giống cho vụ sau, nhờ đó việc chăm scso nuôi dưỡng bò của gia đình tôi đỡ vất vả hơn, gia đình không phải vào rừng kiếm cỏ như trước, đàn bò của tôi nhờ được sự tư vấn của cán bộ thú ý huyện/xã nên không bị ốm đau, còi cọc”.
Từ thành công đó, ông Lầu Chứ Pó đã vận động những người thân trong gia đình, họ hàng và trong thôn/bản cùng tham gia mô hình, qua đó đem lại thu nhập ổn định cho các hộ gia đình, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo chung của toàn thôn, xã.
Gương người Bí thư, Trưởng thôn làm kinh tế giỏi
Ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, không mấy ai không biết đến gương người Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Thành Ma Tủng ông Sùng Sía Chá - ông là người đi đầu trong phong trào làm kinh tế ở địa phương và hỗ trợ cho nhiều hộ thoát nghèo nhờ phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn tạp.
Xã Sà Phìn - nơi có di tích nhà Vương cũng là địa phương có địa hình hiểm trở, đường xá đi lại hết sức khó khăn của tỉnh Hà Giang |
Với mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện gia đình ông Sùng Sía Chá đang tham gia mô hình nuôi bò vỗ béo, ngoài ra ông còn nuôi 6 con lợn thịt, 60 con gia cầm để phát triển kinh tế hộ gia đình, mang lại hiệu quả bền vững trong nhiều năm qua.
Là một xã biên giới, cách trung tâm huyện Đồng Văn 15km về phía Tây, xã Sà Phìn có địa hình núi đá cao dốc, hiểm trở, tạo nên những thung lũng sâu và hẹp do vậy các thôn bị chia cắt sinh sống riêng biệt. Do đường xá đi lại hết sức khó khăn nên mọi hoạt động của nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn trong lao động và sản xuất.
Tuy nhiên, trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương với trách nhiệm của một bí thư, trưởng thôn ông Sùng Sía Chá luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, là người gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, từ đó được nhân dân tin tưởng và tín nhiệm cao.
Với tinh thần và trách nhiệm đó, trong phát triển kinh tế, ông Sùng Sía Chá luôn đi đầu, gia đình ông đã đăng ký gieo trồng ngôi lai và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc. Cùng với đàn gia súc gồm bò, lợn và gia cầm và kinh doanh hàng tạp hóa, mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi bò của gia đình ông đạt từ 60-70 triệu đồng, nhờ đó sau 2 năm tham gia làm kinh tế, gia đình từ hộ cận nghèo, vượt lên thành hộ có mức sống trung bình trong thôn.
Có thể khẳng định, nhờ phát triển kinh tế, các hộ dân ở vùng cao nguyên đá Hà Giang đã từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, có thu nhập ổn định, hiện tượng người dân rời bỏ thôn/bản sang bên kia biên giới làm thuê giảm hẳn, nhiều người đã quyết định ở lại quê để phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên chính quê hương mình.