Con đường dẫn vào UBND xã Tén Tằn, huyện Mường Lát, Thanh Hóa |
Không phải quê hương mình nhưng đến thăm những địa danh phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, nơi tiếp giáp với biên giới Việt - Lào, tôi và nhiều anh chị trong đoàn như được quay trở về miền ký ức của chính mình bởi hai lẽ: Thứ nhất, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi đã từng học, nghe đến những cái tên như Mường Lát, Sài Khao, Sông Mã, Pha Luông, Mai Châu...trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Ở đó, giữa núi non trùng điệp, những đoàn quân đầu không mọc tóc vì những cơn sốt rét rừng dai dẳng, vẫn lặng thầm, vượt qua bao khó khăn gian khổ, chiến đấu, tiếp sức bảo vệ biên giới Việt – Lào trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Những người lính trong đoàn quân Tây Tiến năm ấy chủ yếu là học sinh, trí thức ra đi từ những mái trường, từ phố phường Hà Nội mang trong mình lý tưởng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Dù chiến đấu trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn về vật chất...nhưng các anh vẫn phơi phới tinh thần lạc quan anh hùng. Đã có không ít người nằm lại mảnh đất mẹ Việt Nam thân thương dọc biên giới Lào để cho đất nước được bình yên.
Lẽ thứ hai, chuyến đi này làm tôi liên tưởng và nhớ lại cảm giác vui mừng thủa ban đầu quê hương có điện lưới quốc gia. Năm 1986, đất nước thống nhất 11 năm nhưng đời sống kinh tế của cả nước còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nhất là ở vùng đồng bằng bắc Bộ như quê tôi (Nam Định). Từ 1986 trở về trước, làng tôi, ngoại trừ những đêm rằm có trăng là sáng, còn lại là bóng tối bao trùm. Tối đến mức đứng cách xa năm mười mét không thể nhìn thấy mặt người, nhất là đêm giao thừa. Có lẽ trời không trăng không sao, không có ánh điện, chỉ có đèn dầu leo lét nên các cụ thường nói "Tối như đêm 30". Nhà nào cũng có vài ba cái đèn "Hoa Kỳ" và đèn Chai. Đèn Chai – loại đèn xách tay thủ công, được chế bằng cách lấy lọ mực thủy tinh đổ dầu hỏa vào làm nhiên liệu. Lấy bấc xuôn qua nắp hộp "cao sao vàng" làm chất dẫn dầu. Để che gió, người ta lấy chai thủy tinh trong cắt đầu và đáy chai chụp lên.
Thủa ban đầu ấy, điện chỉ dùng để thắp sáng buổi tối còn ban ngày ít khi có. Ánh sáng phát ra từ những bóng đèn sợi đốt đỏ quạch (ánh sáng chập chờn vì chất lượng điện yếu) nhưng ai cũng thấy hạnh phúc. Những buổi tối bình thường phải tiết kiệm điện nhưng đêm 30 Tết, không ai bảo ai đều thắp hết các bóng đèn hiện hữu trong nhà.
Xe hàng từ Việt Nam chờ thông quan tại Cửa khẩu nước bạn Lào |
Cột mốc Việt Nam tại biên giới Việt - Lào |
Xuất phát từ Hà Nội từ chiều hôm trước, chúng tôi ngược lên Hòa Bình để rút ngắn thời gian. Con đường mòn Hồ Chí Minh bắt đầu từ Hòa Bình đi qua các huyện miền núi không còn khó khăn như thời trước. Đất đá sỏi gập gềnh nay được thay bằng mặt nhựa phẳng lỳ, xe cơ giới có thể chạy ở tốc độ 70km một giờ, góp phần kéo gần khoảng cách giữa các vùng xa xôi với nhau, tiện lợi cho giao thương, phát triển kinh tế xã hội. Thế nhưng quốc lộ 520 từ đường Hồ Chí Minh qua huyện Quan Hóa lên xã Tén Tằn (Mường Lát), dù đã được trải nhựa nhưng vẫn còn xấu vì những ổ trâu, ổ gà. Trời tối, đường đi không chỉ quanh co uốn lượn mà còn gập gềnh, lúc lên lúc xuống vì thế ai cũng có cảm giác nôn nao. Xuất phát từ Hà Nội lúc 2 giờ chiều nhưng đến tận 9 giờ tối mới đến được thị trấn Quan Hóa (cách Mường Lát hơn 100 cây số), ăn tối và nghỉ đêm để sáng hôm sau vào Tén Tằn sớm.
Ngã ba đường đi cửa khẩu Tén Tằn |
Tén Tằn là xã thuộc vùng cao, vùng sâu biên giới của huyện Mường Lát, cách thị trấn Mường Lát 12 km về phía Tây và cách trung tâm thành phố Thanh Hoá 250 km. Cả xã có gần 1.000 hộ gia đình, chủ yếu là dân tộc Thái, Khơ Mú và Kinh. Dân cư phân bố không đồng đều theo đơn vị hành chính mà chủ yếu sống dọc theo các con sông, suối và các con đường chính. Mật độ dân cư rất thưa thớt, khoảng 51 người/km2, phân bố ở 7 bản.
Đặc thù của xã là núi cao, liên kết với nhau tạo thành những dãy núi liên hoàn, với các độ cao khác nhau tạo nên địa hình rất đa dạng và phức tạp. Độ cao trung bình từ 650 - 700 m, độ dốc lớn, trung bình từ 250 đến 350, có nơi > 350. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi, lại nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của gió Tây nam khô hanh, đất núi, dốc... đã ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất nông nghiệp vì vậy cuộc sống kinh tế của bà con xã Tén Tẳn nói riêng và huyện Mường Lát nói chung, nhất là đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn.
Thế nhưng đến thời điểm này, Tén Tằn đã khác xưa với đường xá khang trang, sạch đẹp; những ngôi nhà xây, cửa hiệu buôn bán đủ loại hàng hóa hai bên đường nhìn rất sầm uất. Người dân được hưởng nhiều tiện ích của thời công nghệ 4.0, internet kết nối vạn vật, sóng điện thoại 3-4G...
Trò chuyện với anh Đỗ Văn Thức (quê TP. Thanh Hóa) – lên đây lập nghiệp gần 15 năm được biết, trước kia nơi này còn nghèo lắm, đường giao thông nhỏ hẹp, nhà cửa đơn sơ và cách xa nhau chứ không nhiều như bây giờ. Kinh tế của dân bản phụ thuộc chủ yếu vào trồng cây lương thực (ngô, sắn), cây công nghiệp dài ngày như Luồng, tre nứa, một số cây ăn quả và chăn nuôi nhỏ.
Theo anh Thức, kể từ khi được đầu tư đường xá và có điện từ thủy điện nhỏ, nhiều người dân bắt đầu xây nhà ra mặt đường, mở cửa hiệu kinh doanh tạp hóa, các sản phẩm từ dưới xuôi lên cũng như nhập khẩu từ bên nước bạn Lào về qua cửa khẩu Tén Tằn. Diện mạo xã từ đó thay đổi hẳn.
Lễ đóng điện cho bà con dân bản Tén Tằn |
Trên thực tế, trước khi Tổng Công ty điện lực miền Bắc đầu tư công trình đưa điện lưới quốc gia về xã Tén Tằn với quy mô xây dựng mới hệ thống đường dây 35/0,4 kV, trạm biến áp 180 kVA - 35/0,4 kV và lắp đặt 157 công tơ 1 pha và 6.951 m dây ra sau công tơ cho các hộ gia đình trong bản Tèn, nhiều bản trong xã đã có nguồn điện thủy điện nhỏ do công ty TNHH MTV Sông Chu cung cấp từ năm 2004. Tuy nhiên do nguồn điện (phụ thuộc vào nước), cơ sở vật chất có hạn, lại sử dụng quá lâu, hệ thống điện xuống cấp, tổn thất điện năng cao nên chất lượng điện không đảm bảo, vừa yếu, vừa không ổn định. Buổi trưa, chiều hàng ngày không có điện hoặc điện áp thấp gây hỏng các thiết bị gia dụng trong gia đình. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế của nhân dân.
Ông Lương Văn Quang (đội 2, bản Tén Tằn) chia sẻ, được dùng điện lưới quốc gia và dịp trước Tết cổ truyền của dân tộc là một niềm vui lớn của cả bản. Điện lưới mạnh, ổn định sẽ giúp bà con tăng gia sản xuất, phát triển dịch vụ, mở ra nhiều cơ hội làm ăn, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Mong muốn ấy, chắc chắn không phải của riêng ông Quang, anh Thức mà còn của tất cả bà con ở vùng sâu, vùng xa này. Đồng thời cũng là mong muốn của các cấp lãnh đạo Đảng và Chính quyền. Có mặt chung vui tại lễ đóng điện, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức trung ương Phạm Minh Chính phấn khởi cho rằng, công trình cấp điện lưới Quốc gia tại xã Tén Tằn sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế, xã hội và tinh thần của nhân dân, đảm bảo tình hình an ninh quốc phòng. Sự đóng góp này của ngành Điện có ý nghĩa rất lớn với bà con các dân tộc vùng biên giới của Tổ quốc.
Chúng tôi tin rằng, dù đã biết đến ánh điện từ lâu nhưng có được nguồn điện ổn định, liên tục vẫn sẽ mang cho bà con dân bản niềm vui như chúng tôi đã từng.
Nhân viên điện lực Mường Lát đang lắp bóng đèn cho một hộ dân |
Sương vẫn bao phủ ở nhiều nơi trên vùng đất miền Tây Thanh Hóa này mỗi sớm. Sông Mã vẫn chảy về xuôi nhưng không "độc hành" như trước nữa. Núi đã bớt cao và nguy hiểm, con đường đến Tây Tiến không còn xa như hơn 50 năm trước như nhà thơ Quang Dũng đề cập. Tất cả những khó khăn trong quá khứ rồi sẽ chỉ còn trong nỗi nhớ "chơi vơi" khi nghĩ về Tây Tiến. Một Tây Tiến đang đổi thay phát triển với một trang mới tươi đẹp hơn.