Trở lại xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải (trước đây huyện Duyên Hải, Trà Vinh) chúng tôi ngỡ ngàng trước sự “thay da, đổi thịt” của mảnh đất này. Diện mạo vùng quê nghèo đã có nhiều đổi mới. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Toàn – ông Ngũ Minh Việt, khi được cấp điện từ dự án của ngành Điện, phần lớn các hộ dân chuyển sang nuôi tôm thẻ công nghiệp, hiệu quả cao, nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Ông Nguyễn Văn Trung - một người nuôi tôm trong ấp Rồng Giếng (xã Long Toàn) - cho biết: Hơn 4 năm nay, khi có điện lưới quốc gia từ dự án cấp điện cho các hộ dân Khmer, ông chuyển sang nuôi tôm công nghiệp. Nhờ có điện hỗ trợ, nuôi đúng kỹ thuật, nên năm nào ông cũng trúng lớn, vụ tôm năm 2015 gia đình ông lãi gần 800 triệu đồng.
Nhân viên Điện lực Châu Thành (Trà Vinh) cấp điện cho các hộ dân |
Ở huyện Trà Cú, trên những con đường trải nhựa, bê tông hóa, những phum sóc xa xôi, cách trở, đã bừng ánh điện. Dọc theo những con đường các ấp Trà Tro A, Trà Tro B, Trà Tro C thuộc xã Hàm Giang, không khí lao động khẩn trương; tiếng đục, cưa, gọt vỏ tre chộn rộn xóm ấp. Nghề đóng giường tre nơi đây được hình thành trên 50 năm, nhưng người thợ đóng giường tre đã trải qua những năm tháng khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ có điện lưới quốc gia, hàng trăm người thợ Khmer ở làng nghề đã vực dậy và phát triển nghề truyền thống, nhiều hộ có được cuộc sống khá sung túc.
Ông Thạch Trì Cảnh - Tổ kinh tế Hợp tác đóng gường tre Trì Cảnh, thuộc ấp Trà Tro B – chia sẻ: Khi có điện, ông vay ngân hàng 40 triệu đồng mua sắm máy cưa, máy bào, máy khoan… Nhờ có máy móc hỗ trợ thay thế thủ công nên sản phẩm làm ra với số lượng nhiều, đẹp hơn, được người tiêu dùng đón nhận. Từ chỗ sản xuất gia đình, nay đã phát triển thành cơ sở sản xuất Trì Cảnh, với quy mô sản xuất mỗi năm 1.500 sản phẩm salon, bộ bàn ghế. Cùng với đó là có hơn 20 kiểu mẫu salon, bộ bàn ghế được thiết kế hiện nay không chỉ có mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long mà còn vươn tới thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… Cơ sở giải quyết việc làm cho 30 người thợ với mức lương 3 triệu đồng/tháng, giúp những người thợ nghèo đóng giường tre ở làng nghề có việc làm ổn định, cải thiện cuộc sống gia đình.
Theo ông Thạch Ngọc Điệp - Trưởng Ban nhân dân Ấp Trà Tro B, ấp có trên 250 hộ dân, trong đó người Khmer chiếm đến 98%. Bên cạnh trồng lúa, nhờ có điện lưới, những năm gần đây, làng nghề phát triển, đời sống người dân đã được nâng lên thấy rõ. Làng nghề này có khoảng 100 hộ, hàng năm sản xuất hàng ngàn sản phẩm. Bên cạnh những sản phẩm như kệ tiêu thụ trong vùng, nay đã phát triển mặt hàng cao cấp như salon tre, bàn ghế tre được sơn pê-u để đưa đến các thị trường ngoài tỉnh.
Ngoài Trà Vinh, Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống với gần 400.000 người, chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh. Chương trình cấp điện cho người dân chủ yếu là đồng bào Khmer trên địa bàn đã góp phần làm cho đời sống, kinh tế của bà con nơi đây đi lên từng ngày. Đại diện EVN SPC cho biết, trong nhiều năm qua, EVN SPC đã thực hiện nhiều dự án “Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer” tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang, mang lại hiệu quả lớn về mặt kinh tế - xã hội.
Cùng với các chương trình của Chính phủ hỗ trợ đồng bào nghèo về nhà, đất ở, đất sản xuất…, các dự án cấp điện cho đồng bào Khmer đã thúc đẩy phát triển ngành nghề tiểu - thủ công nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, giúp bà con thoát nghèo và tiến đến làm giàu. |