Vai trò của cộng động doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thúc đẩy thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 nói riêng ngày càng được đánh giá cao hơn. Trong đó, sự tham gia của khu vực tư nhân trong mô hình đối tác công tư (PPP) được xem là một trong những phương thức hiệu quả nhất để khiển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam.
Tại Việt Nam, việc áp dụng PPP cũng đang có những thành công đáng kể. Theo thống kê, hiện tại có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, trong đó 140 dự án áp dụng hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác. Các dự án này đã huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia. Đặc biệt, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu và quản lý đầu tư từ “đầu tư công – quản trị công” sang “lãnh đạo công – quản trị tư”, “đầu tư công - quản lý tư”, “đầu tư tư – sử dụng công” đang được áp dụng thành công tại một số địa phương.
Đối tác công tư (PPP): Cần một khung khổ pháp lý ổn định |
Về mô hình “đầu tư công – quản lý tư”, hay còn gọi là hình thức thuê – phát triển – vận hành đang được triển khai hiệu quả tại thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) trong việc chăm sóc, duy trì cây xanh và khai thác dịch vụ trong Công viên Hữu Nghị, Quản lý khu du lịch Trà Cổ…. “Đầu tư công, sử dụng công” là mô hình chính quyền cho nhà đầu tư thuê đất để xây dựng hạ tầng rồi chính quyền thuê lại công trình theo giá thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Với hình thức này, nhà nước không phải bỏ ra một lúc số vốn lớn, không phải thành lập bộ máy để quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa… công trình nhưng vẫn có công trình hiện đại, hiệu quả cho ác mục tiêu công cộng. Qua đó, giảm gánh nặng ngân sách, giảm thất thoát trong quá trình đầu tư…
Khẳng định vai trò rất lớn từ mô hình PPP trong phát triển kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển mô hình này ở Việt Nam còn nhiều rào cản. Hành lang pháp lý chồng chéo, chưa thống nhất. Pháp luật không phản ánh đúng bản chất của mối quan hệ đối tác công – tư dẫn đến quá trình triển khai dự án PPP còn nhiều khó khăn, bất cập.
Hiện quy định về PPP tại Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá là còn khá nhiều bất hợp lý, chưa đủ minh bạch và có tính ổn định chưa cao. Hợp đồng dự án PPP thường kéo dài từ 20 – 30 năm. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay chỉ có thể yên tâm rót vốn cho dự án khi các quy định pháp luật đủ minh bạch, ổn định và nhất quán. Mặt khác, khung pháp lý còn thiếu các cơ chế hỗ trợ và bảo đảm bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và đảm bảo đầu tư từ phía nhà nước cho các nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của các dự án cũng như hiệu quả của dự án. Do đó, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, rất cần một khung khổ pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn, vốn lớn, nhiều rủi ro.
Trong khuôn khổ Hội thảo, bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tóm tắt một số điểm mới của Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Dự thảo Luật PPP). Bà Vũ Quỳnh Lê cho hay, Dự thảo luật lần này đã thu hẹp lĩnh vực đầu tư, sẽ có một số lĩnh vực không được đầu tư theo phương thức PPP. Dự thảo Luật đã chỉnh sửa một số nội dung về lựa chọn nhà đầu tư để phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta và các kinh nghiệm trên thế giới. Cụ thể như sau: Đơn giản hóa quy trình, lựa chọn nhà đầu tư, việc phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu căn cứ báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Các nội dung trong kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư như: Phương thức và hình thức lựa chọn nhà đầu tư; thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư được phê duyệt đồng thời tại báo cáo nghiên cứu khả thi (Điều 22 dự thảo). “Trên cơ sở tiếp thu ý kiến lần đầu, dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội và kỳ họp cuối năm 2019. Theo dự kiến giữa năm 2020 sẽ ban hành và đầu 2021 có hiệu lực”, bà Lê thông tin thêm.
Theo TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) – để thu hút tốt hơn nguồn lực của khối kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế xã hội cũng như giúp thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, thì cần các giải pháp thúc đẩy quan hệ PPP mạnh mẽ hơn nữa, như sớm ban hành Luật Đầu tư theo hình thức PPP. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần thay đổi cách thức quản lý và nâng cao năng lực để tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư theo hình thức PPP, thu hút các nhà đầu tư mới.