Thay đổi cách tiếp cận từ hỗ trợ giảm nghèo sang đầu tư phát triển toàn diện
Ghi nhận tại hội trường, hầu hết các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS&MN) đã góp phần làm chuyển biến căn bản đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, diện mạo vùng DTTS&MN đã thay đổi rõ rệt, đồng bào các DTTS đều bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và bình đẳng trước pháp luật. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu về tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số làm việc trong các cơ quan nhà nước nhằm khắc phục tình trạng tỷ lệ này rất thấp trong thời gian qua |
Bên cạnh đó, Nhà nước đã quan tâm và có chính sách ưu tiên đầu tư, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu như phát triển hệ thống giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, các công trình trường học, trạm y tế... Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới được thực hiện trên địa bàn vùng DTTS&MN những năm gần đây đã đạt được những kết quả khá toàn diện
Đi vào nội dung của Đề án, khẳng định việc Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn sẽ đảm bảo nhất quán quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, thực sự là vấn đề chiến lược cơ bản lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ cho toàn bộ hệ thống chính trị, thực hiện có hiệu quả nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, tôn trọng đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ với các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đảm bảo tinh thần tự lực nâng cao cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số gắn với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh toàn diện, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Từ cách tiếp cận mới này, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị thay đổi tên gọi từ “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” thành “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Đại biểu Lộc lập luận: “…từ năm 1993, khi bắt đầu khởi động chương trình xóa đói, giảm nghèo đến nay đã đi qua 6 chu trình nhưng chúng ta vẫn tiếp cận từ góc nhìn giảm nghèo. Do đó, tôi cho rằng, từ chỗ đặt vấn đề về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số là sự thay đổi lớn về nhận thức, là cách tiếp cận mới từ quan điểm phát triển, là rất phù hợp với tuyên bố về chính sách dân tộc với nội hàm rất mới được ghi nhận tại khoản 4 Điều 5 Hiến pháp năm 2013, đó là nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”.
Cũng theo đại biểu, không gian nghèo của Việt Nam đang diễn biến lõi nghèo tập trung vào vùng dân tộc thiểu số, trải rộng ở khu vực miền núi phía Bắc, miền Tây Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây duyên hải miền Trung và Tây Nam Bộ. Và so với sự phát triển chung của cả nước và từng địa phương, thì đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn có nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao. Cùng đó, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu và chất lượng nguồn nhân lực, hạn chế, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng tăng, tiềm ẩn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Do đó, việc giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đặt trong tổng thể gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội bền vững với các giải pháp trọng yếu, đó là phát triển kinh tế lâm nghiệp và các dự án sản xuất tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân gắn với hỗ trợ đất ở, cải thiện nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn, bản, đơn vị sự nghiệp công lập liên quan đến lĩnh vực dân tộc gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc các dân tộc thiểu số và phát triển du lịch.
Chúng ta cũng cần nghiên cứu sự phân hóa chính sách phù hợp với từng nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Đầu tư đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số gắn với bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Góp ý thêm, vị đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, hiện có khá nhiều chính sách đối với vùng này, với 118 chính sách liên quan đến dân tộc thiểu số còn hiệu lực. Tuy nhiên, các chính sách thiếu tính thống nhất, đồng bộ, còn dàn trải, chồng chéo, chậm được tích hợp lồng ghép và do nhiều bộ, ngành quản lý phân tán theo từng lĩnh vực. Từ thực tế đó, việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách sẽ được tập trung về một đầu mối quản lý và điều phối, có thể giao cho Ủy ban Dân tộc làm cơ quan thường trực. Đồng thời, Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ rà soát, sắp xếp, tích hợp các chính sách để sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực trong điều kiện giới hạn theo hướng tập trung nhiều hơn cho mục tiêu đầu tư phát triển, hướng đến phát triển bền vững với chu kỳ đầu tư có tầm nhìn dài hạn.
Đặc biệt, chính sách được ban hành theo hướng chuyển từ hỗ trợ sang tạo động lực vươn lên tự lập trong cuộc sống của người dân tộc thiểu số, ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đảm bảo nguồn lực và phương thức phân bổ nguồn lực
Đề án đã xác định tổng vốn tạm tính là 334.421 tỷ đồng trình Quốc hội quyết định, các đại biểu Quốc hội đánh giá đây là vấn đề cốt lõi, quyết định thành công đề án. Tuy nhiên, để nguồn vốn khả thi, đúng, sát cần phải rà soát lại, xác định cụ thể danh mục dự án, quy mô đầu tư các dự án có liên quan, đồng thời phân cấp mạnh cho địa phương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Y Khút Niê (Ama Sa Ly) (Đoàn Đắk Lắk) thể hiện sự đồng tình với giải pháp huy động vốn để tổ chức triển khai thực hiện Đề án là huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội, trong đó sự vươn lên của người dân giữ vai trò quan trọng, nguồn ngân sách nhà nước là quyết định.
Tuy nhiên, “Tôi đề nghị việc huy động mọi nguồn lực đầu tư cần phải tập trung một đầu mối để điều chỉnh thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng mỗi bộ, ngành một đầu mối, mỗi lĩnh vực phân tán, mạnh ai nấy làm, làm suy yếu hiệu lực, hiệu quả của đề án về việc sử dụng nguồn vốn, làm khó khăn cho việc đánh giá thực hiện của đề án” – đại biểu Y Khút Niê (Ama Sa Ly) nói và làm rõ hơn, với nguồn lực từ ngân sách nhà nước thì từ Trung ương đến địa phương nên phân bổ theo tỷ lệ phần trăm thích hợp hoặc theo số tuyệt đối đã được phân kỳ đầu tư hàng năm của dự án vào hạng mục ngân sách hàng năm để cơ quan thực hiện Đề án chủ động tổ chức triển khai thực hiện một cách thuận lợi nhất.
Tán thành, đại biểu Bùi Ngọc Chương (Đoàn Cà Mau) bổ sung, để đảm bảo nguồn lực thực hiện, cần tăng cường nguồn kinh phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng diện được thụ hưởng chính sach, để không những đồng bào thoát được đói nghèo có thể được vay vốn để khởi nghiệp, để phấn đấu khá lên và có thể làm giàu trên những địa bàn khó khăn.
Trong khi đó, dẫn thực tế quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Bình đẳng giới năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2015/NĐ-CP về hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số sinh con là 2 triệu đồng/lần sinh, nhưng qua giám sát của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội và theo Báo cáo của Bộ Y tế, đến năm 2018 tại 53 tỉnh chỉ có 52% đối tượng được hưởng chính sách. Số thiếu còn lại do nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân mà địa phương báo cáo là không cân đối được ngân sách, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Đề án cần tính đến giải pháp thực tế trong phân cấp ngân sách để bảo đảm không bị gián đoạn kinh phí trong quá trình thực hiện Đề án.