Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định: Từ khi APEC thành lập (năm 1989) đến nay, quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế thành viên đã có những bước phát triển nhanh chóng và vượt bậc. Thương mại trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ được ghi nhận tăng 6,7 lần với tổng giá trị khoảng 20 nghìn tỷ USD vào năm 2015; mức thuế trung bình đã giảm đáng kể từ 17% (năm 1989) xuống 5,6% (năm 2014) nhờ tăng cường quan hệ thương mại song phương và đa phương, cũng như sự gia tăng của các thỏa thuận thương mại trong và ngoài khu vực.
Đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan đến các yếu tố công nghệ mà còn gồm các yếu tố phi công nghệ, có mối quan hệ chặt chẽ với một loạt các lĩnh vực bao trùm và phức tạp như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thị trường tài chính, hệ thống giáo dục, nghiên cứu và phát triển (R&D), hệ thống pháp luật, sở hữu trí tuệ (SHTT), thuế.
Với tính chất phức tạp và bao trùm như vậy, thương mại được coi là một trong những nhân tố thúc đẩy giúp định hình chính sách và chiến lược về đổi mới sáng tạo của nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh, phát triển sáng tạo thông qua thúc đẩy hợp tác về khoa học và đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi chuyển giao, phổ biến và thương mại hóa công nghệ; thúc đẩy sử dụng và thương mại hóa SHTT và bảo đảm thực thi luật về quyền SHTT; cải thiện môi trường đổi mới sáng tạo.
Năm APEC Việt Nam 2017, tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh và sáng tạo của doanh nghiệp cũng là một trong những ưu tiên được các nền kinh tế thành viên APEC ủng hộ. |
Chia sẻ tại hội nghị, ông John Drummond - đại diện Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - cho rằng, chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp; môi trường ngày càng mở cho đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, điều quan trọng là năng lực quốc gia để có thể hấp thụ được năng lực sáng tạo. Về cơ bản các quốc gia đều có khung thể chế, pháp luật giống nhau, có thể hợp tác chặt chẽ để mang lại lợi ích về thương mại. “Chúng ta đang có cơ hội tuyệt vời để nâng cao chỉ số cạnh tranh về dịch vụ - đây là một trong những hiệu quả tiềm năng mà nền kinh tế APEC có thể tập trung phát triển trong thời gian tới” - ông Drummond nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Pamela Bailey - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Các nhà sản xuất hàng tiêu dùng Mỹ - cho rằng: Đổi mới sáng tạo có ảnh hưởng lớn đến phát triển. Các doanh nghiệp Mỹ coi người tiêu dùng là động lực phát triển. Từ đó sản phẩm sản xuất ra liên tục được cải tiến tốt hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Theo bà Bailey, để thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cần có ba hợp phần chính: Thứ nhất, cần đối thoại với các bên có liên quan; thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước cần có kỹ năng cần thiết; thứ ba, cần có cam kết chính trị nhất quán thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo, công tác quản lý nhà nước không được làm bối rối người tiêu dùng, các công ty cần có thông tin rõ ràng để đưa ra kết luận của mình.
TIN LIÊN QUAN | |
Thương mại thúc đẩy đổi mới sáng tạo |