Nhân lực chất lượng ngành logistics mới đáp ứng 10% nhu cầu thị trường |
Tạo cơ hội để sinh viên “thực chiến”
Cùng với nhịp độ phát triển của hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu, hoạt động logistics trong những năm gần đây gia tăng mạnh mẽ, ước tính có tốc độ tăng trưởng trên 10%.
Đánh giá về cơ hội của thị trường đối với lĩnh vực logistics, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) - cho biết: Theo thống kê sơ bộ, cả nước có 49/286 trường đại học đào tạo về logistics ở nhiều cấp độ khác nhau.
Đáng nói, logistics hiện cũng là ngành học nhận được sự quan tâm cao của xã hội. Sự quan tâm này thể hiện ở số lượng đăng ký tuyển sinh vào đại học, cao đẳng của ngành này tăng vọt và điểm chuẩn cũng vượt lên ở top đầu các ngành học tại một số trường. Đây cũng phản ánh phần nào nhu cầu của xã hội về mặt nguồn lực, nhu cầu của các doanh nghiệp đòi hỏi đáp ứng cả về mặt số lượng và chất lượng; đồng thời, tạo thuận lợi cho các cơ sở đào tạo phát triển ngành này ở trong nước.
Qua hai buổi tọa đàm về hoạt động đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng do VALOMA phối hợp với Trường Đại học Đại Nam và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức vừa qua đã giúp các trường có thêm nhiều thông tin, gợi mở về phương pháp, chương trình đào tạo, định hướng phối hợp giữa các trường và hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Một số vấn đề được đưa ra thảo luận như khung chương trình, chuẩn đầu ra, hoạt động mô phỏng - thực hành... nhằm mục tiêu nâng chất lượng cho nguồn nhân lực ngành logistics.
Tọa đàm giữa Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với VALOMA nhằm chia sẻ về đào tạo nguồn nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng |
Đại diện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, hiện trường có tuyển sinh đào tạo ngành học có liên quan đến lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, định hướng mục tiêu của trường là trang bị cho sinh viên đầy đủ kiến thức, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp làm nền tảng vững chắc cho việc ứng dụng làm việc thực tiễn khi ra trường.
Tương tự, chia sẻ về định hướng đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, TS. Lê Thị Mỹ Ngọc - Trưởng khoa Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Đại học Đại Nam) - cho biết, trường có kế hoạch giảng dạy “thực chiến”, tức là giảng dạy lý thuyết kết hợp với trải nghiệm thực tế. Từ đó, sinh viên sẽ được tham gia trải nghiệm tại các doanh nghiệp qua các kỳ thực tập. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được trải nghiệm thực tế qua nền tảng công nghệ logistics lớn nhất Việt Nam là phần mềm Smartlog.
Tuy nhiên, chương trình đào tạo này đang đối mặt với một số khó khăn, điển hình là khó khăn trong việc triển khai chương trình đào tạo, những khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ cho việc thực hành… Điều này làm hạn chế đến việc ứng dụng làm việc thực tế của sinh viên, do vậy, bà Lê Thị Mỹ Ngọc mong muốn VALOMA sẽ tạo ra một hệ sinh thái kết nối các doanh nghiệp và nhà trường nhằm tối ưu hóa quá trình sử dụng nguồn nhân lực và chi phí trong công tác đào tạo.
Tọa đàm giữa Trường Đại học Đại Nam với VALOMA, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp tổ chức hoạt động đào tạo gắn với trải nghiệm thực tiễn ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh quốc tế |
Sự phối hợp của nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo
Nhận định logistics là một ngành nghề nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển rất lớn và đòi hỏi ở sinh viên phải có những kiến thức đáp ứng yêu cầu của ngành nghề, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và kinh doanh Quốc tế (Trường Đại học Ngoại thương) - Phó Chủ tịch VALOMA - đánh giá, hai năm đại dịch vừa qua đã cho thấy được vai trò quan trọng của ngành logistics đối với nền kinh tế. “Khi ngành logistics phát triển chúng ta sẽ tiết kiệm được chi phí, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường cạnh tranh giữa các quốc gia” - bà Hương cho hay.
Trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực logistics quốc tế và ngoại thương của Việt Nam cũng có mối liên hệ khăng khít với nhau. Theo bà Trịnh Thị Thu Hương, khi Việt Nam có ngành dịch vụ logistics tốt sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực ngoại thương và đầu tư ra nước ngoài. Khi ngành dịch vụ vận chuyển phát triển sẽ có cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế. Để làm được điều này, chất lượng nguồn nhân lực cũng cần phải được chú trọng.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, bà Cao Cẩm Linh - Giám đốc chiến lược Viettel Post - Trưởng Ban nghiên cứu VALOMA - chia sẻ, lớp sinh viên ra trường, sinh viên nhóm ngành tiềm năng về ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng cần được đào tạo những kiến thức bắt buộc liên quan đến kỹ thuật mô hình hóa mô phỏng, phân tích chuỗi cung ứng, kho và kênh phân phối… Hiện nay, Viettel Post đang sử dụng các mô phỏng, đặc biệt là sử dụng phân tích dữ liệu lớn.
Bên cạnh đó, bà Cao Cẩm Linh khuyến nghị, Trường Đại học Công nghiệp nên xây dựng một phòng, một trung tâm nghiên cứu và phát triển xây dựng robot AGV hay hệ thống băng chuyền, cơ khí điện tử có liên quan đến ngành logistics để hỗ trợ cho quá trình đào tạo nhân lực ngành này.
“Để hoạt động nghiên cứu không chỉ là mô hình mà là mô phỏng đúng nghĩa. Làm sao tạo ra lứa sinh viên thực sự là “thợ cả”. Khi đó, các công ty về chuỗi cung ứng, các công ty trong nước và nước ngoài đều có thể đặt hàng sinh viên chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Công nghiệp và họ có thể chăm sóc sinh viên ngay từ năm học thứ hai” - bà Linh đề xuất.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, Trưởng Ban nghiên cứu VALOMA cũng gợi ý, đối với một trường đại học tư thục như Đại Nam, nên đi từ mục tiêu của lãnh đạo trường, thiết kế các chương trình giảng dạy “thực chiến” để sinh viên ra trường có thể “càn quét” các doanh nghiệp trong khu vực mục tiêu. Từ đó VALOMA có thể giúp trường xây dựng bài giảng phục vụ cho đầu ra nhóm doanh nghiệp mà trường hướng đến.
Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà trường, ông Trần Chí Dũng - Trưởng Ban đào tạo VALOMA chia sẻ, mô hình đào tạo VALOMA - COE, áp dụng các phương pháp mới như: học tập trên cơ sở giải quyết vấn đề, đào tạo và cấp chứng nhận theo năng lực thực hiện, nhận biết - thiết kế - triển khai - vận hành.
Cụ thể, mô hình COE sẽ hỗ trợ về mặt cơ sở vật chất cho hoạt động thực hành bằng cách chia sẻ cơ sở vật chất đã có tại một số trường và doanh nghiệp như Trung tâm Mekong, Đại học Hàng Hải (Hải Phòng) để thực hành về kho hàng cho các trường phía Bắc, kết hợp tham quan cảng, trung tâm logistics tại Hải Phòng.
Ngoài ra, “mô hình COE cũng giúp huy động nguồn nhân lực giảng dạy từ quỹ Hội viên và các chuyên gia quốc tế, lập thành các tổ chuyên môn như logistics, SCM và các chuyên môn khác” - ông Trần Chí Dũng cho biết.
Ngành dịch vụ logistics có cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế, phát triển kinh doanh. Muốn đón đầu được cơ hội này theo Phó Chủ tịch VALOMA, chuẩn đầu ra luôn phải dựa vào thị trường lao động. Xác định chuẩn đầu ra trên 3 nhóm: Chuẩn về kiến thức, chuẩn về kỹ năng, chuẩn về thái độ.
Hiện, VALOMA đã và đang hỗ trợ các hội viên tham quan doanh nghiệp, bảo trợ cho mạng lưới các câu lạc bộ sinh viên chuyên ngành logistics và quản trị chuỗi cung ứng. Đồng thời, tổ chức nhiều buổi tọa đàm và hội thảo, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, giúp sinh viên hiểu rõ và định hướng tốt hơn về nghề nghiệp.