Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số

Thực hiện Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” năm 2021, ngày 16/12, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số” theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu chính Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu địa phương.

Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.

Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số
Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số”

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số đã mang lại những cơ hội cũng như cả những thách thức và đang làm thay đổi về cách thức, mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động trong đó có lĩnh vực báo chí, truyền thông.

"Những người làm việc trong lĩnh vực này không chỉ cần về năng lực chuyên môn cao mà còn cần phải đáp ứng tốt các “tiêu chuẩn đạo đức rất cao về tính chính xác, tính độc lập, tính công bằng, tính bí mật, tính nhân văn, tính trách nhiệm và tính minh bạch” - Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong thực tế thì nguồn nhân lực báo chí truyền thông hầu hết mà các đơn vị đang sử dụng hiện nay, chủ yếu là nguồn nhân lực được đào tạo theo cách truyền thống nhưng nay phải “gồng mình” để làm báo chí, truyền thông trong môi trường của thời đại công nghệ số. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông cần đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên số.

Diễn đàn được tổ chức nhằm trao đổi, đánh giá thực trạng và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí truyền thông hiện nay; những mô hình đào tạo báo chí, truyền thông trên thế giới; những cơ hội và thách thức của báo chí trong thời đại công nghiệp 4.0… “Qua đó, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí, phục vụ chuyển đổi số báo chí, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trong xu thế công nghệ mới” - Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nói.

TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó Trưởng ban tuyên truyền lý luận, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ Báo Nhân dân chia sẻ, cùng với quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước, báo chí nước ta đã có sự phát triển vượt bậc, cả về số lượng, chất lượng, loại hình. Đội ngũ những người làm báo ngày một đông đảo và hùng hậu. Trong những thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm báo, nhất là trong tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đấu tranh và bài trừ sai trái, bảo vệ chân lý…

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, sự bùng nổ thông tin mạng và thời đại công nghệ số tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với người làm báo bởi sự tràn ngập các loại thông tin gây nhiễu loạn, khó kiểm chứng. Điều đó buộc người viết phải tỉnh táo, có trách nhiệm, không vì đề cao tính thời sự mà bỏ qua tính chính xác, chân thực và nhân văn của mỗi thông tin đem đến cho bạn đọc.

Nhà báo trong kỷ nguyên số và bùng nổ thông tin phải là những người đa năng và đa nhiệm, chuyên nghiệp ở tất cả các khâu trong quá trình thực hiện một tác phẩm báo chí, vừa là nhà báo viết, vừa là nhà báo ảnh, biết dựng video, làm infographic, biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật đa phương tiện; có phông kiến thức văn hóa - xã hội vững chắc; biết sử dụng và khai thác triệt để truyền thông xã hội phục vụ cho hoạt động của mình; thành thạo một ngoại ngữ thông dụng, nhất là tiếng Anh...

Trước thực tế đó, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, các cơ quan báo chí cần tăng cường công tác quản lý, trau dồi đạo đức về nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên… để các nhà báo luôn có được lòng yêu nghề, thái độ chăm nghề, trọng nghề, bởi đây là cái gốc để sinh ra bản lĩnh chính trực của các nhà báo. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật kiến thức, đổi mới nội dung chương trình, tăng cường đào tạo kỹ năng cho các phóng viên và biên tập viên về viết tin, chụp ảnh, quay video, sử dụng những ứng dụng truyền thông mới để tường thuật trực tiếp, truyền phát video trực tiếp cho tòa soạn.

Ngoài ra, tổ chức các cuộc tọa đàm, gặp gỡ, trao đổi giữa giới báo chí, các cơ quan quản lý báo chí và công chúng, cũng như phát triển các mối quan hệ toàn diện hơn giữa các cơ quan báo chí với các cơ sở đào tạo báo chí để nắm bắt kịp thời với xu thế báo chí hiện đại, tăng cường kỹ năng chuyên nghiệp và năng lực công tác kiểm chứng thông tin để nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí và để báo chí chính thống mãi luôn là nguồn thông tin tin cậy với công chúng.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, việc chuyển đổi số không chỉ là đầu tư công nghệ mà trước hết là chuyển đổi tư duy, vận hành của đội ngũ lãnh đạo báo chí, từ đó đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Vì thế, việc đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số không chỉ hạn chế trong môi trường nhà trường mà còn cần thực hiện đào tạo thường xuyên ngay trong các cơ quan báo chí, liên tục cập nhật xu hướng báo chí của thế giới.

Quỳnh Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★

Tin cùng chuyên mục