Theo đó, Chính quyền Nhật Bản mới đây đã quy định khi vứt những rác thải cỡ lớn như bàn ghế, đệm, đồ gia dụng, xe đạp..., người dân cần phải đăng ký với chính quyền địa phương và nộp một khoản chi phí.
Sau khi đăng ký, đơn vị chuyên thu gom rác thải cỡ lớn sẽ thu thập lại những vật dụng này để xử lý, tuy nhiên do nhiều vật dụng trong số này vẫn có thể sử dụng nên nhiều chính quyền địa phương đã triển khai bán chúng trên sàn thương mại điện tử Mercari phổ biến tại Nhật Bản. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, chính quyền sẽ cung cấp miễn phí cho người dân hoặc tái chế.
Rác thải quá khổ có thể tái chế tại Nhật Bản |
Thành phố Nishinomiya thuộc tỉnh Hyogo bắt đầu rao bán các mặt hàng trên Mercari từ tháng 10/2022 nhằm giảm thiểu rác thải quá khổ trong bối cảnh nhu cầu thu gom rác thải từ các hộ gia đình đang ngày càng tăng.
Chính quyền Nishinomiya đã cung cấp ghế sofa, hộp đựng quần áo cùng với các mặt hàng khác và đã bán được 57 mặt hàng với tổng giá trị là 82.800 Yên.
Một quan chức Nishinomiya cho biết, sáng kiến này nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc tái sử dụng hàng hóa.
Trước đó, thành phố Gamagori ở tỉnh Aichi là đô thị đầu tiên tại Nhật Bản bắt đầu bán rác thải cỡ lớn trên Mercari từ tháng 5/2022. Thành phố này đã tiến hành một dự án thí điểm từ tháng 10-12 năm ngoái, trong đó, thành phố đã thuê Trung tâm Lao động dành cho người cao tuổi thực hiện toàn bộ quy trình bán rác cỡ lớn, từ phân loại đến vận chuyển.
Tổng cộng có 202 mặt hàng được chào bán trong dự án thí điểm, tăng đáng kể so với 18 mặt hàng cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Gamagori cũng đang quảng bá kế hoạch tạo cơ hội việc làm cho người cao tuổi với tên gọi “Mô hình Gamagori”.
Trong tháng 5/2023, quận Shinagawa của thủ đô Tokyo đã bắt đầu tái chế chất thải quá khổ bằng gỗ thay vì đốt như trước đây. Theo đó, sau khi loại bỏ các bộ phận như kim loại và thủy tinh, trung tâm thu gom rác của quận này sẽ chế biến những vật dụng bỏ đi thành dăm gỗ và sử dụng làm vật liệu xây dựng.
Trong năm tài chính 2023, Shinagawa đã tái chế 1.052 tấn rác thải gỗ, chiếm 1/4 tổng lượng rác thải quá khổ. Kể từ đó, quận này cũng bắt đầu tái chế hộp đựng quần áo bằng nhựa thành các nguồn tài nguyên.