Những lạ kỳ chỉ có ở sơn mài
Được biết, để làm ra một tấm vóc, tức là phần khung thô của một bức tranh sơn mài, phải trải qua 12 nước sơn, mùn cưa, bó đất rồi lại sơn mới tạo ra được phần nền đen bóng. Tiếp theo là công đoạn trang trí họa tiết cho tranh sơn mài. Từ đó mới thấy, nghề làm sơn mài lắm công phu, nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm nghề phải thật kiên nhẫn, tỉ mỉ, chau chuốt, nâng niu.
Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai, vỏ trứng, ốc, cật tre... vẽ trên nền vóc màu đen. Sơn mài không chỉ được làm trên cốt gỗ, tre, cói, nhựa, composit, gốm mà còn làm trên giấy. Chính xác là bột giấy được ép cường độ cao thành một thứ gỗ nhẹ dùng để làm các loại hộp hay khay uống trà… Các phôi giấy đạt độ chính xác cao nhưng lại làm trong xưởng hết sức thủ công.
Muốn lớp sơn màu vừa vẽ khô, tranh phải ủ trong tủ ủ kín gió và có độ ẩm cao, rồi mài mòn đi mới thấy hình. Tranh có thể được vẽ rồi mài nhiều lần tới khi đạt hiệu quả mà họa sĩ mong muốn. Sau cùng là đánh bóng tranh. Để ra đời một sản phẩm, người thợ phải kiên trì với phương pháp thủ công, thậm chí hàng tháng trời với tất cả sự công phu, cầu kỳ, điêu luyện.
Có thể nhắc đến bức tranh sơn mài đầu tiên của Trần Quang Chân trên bình phong "Cành tre bóng nước" năm 1934 và phải kể đến họa sỹ Nguyễn Gia Trí, người dẫn đầu thời kỳ cực thịnh của tranh sơn mài (1938-1944) với những tác phẩm tiêu biểu như "Cảnh nông thôn" (1939), "Thiếu nữ bên cây phù dung" (1944).
Sức vươn của nghề
Cũng như nhiều nghề khác, nghề làm tranh sơn mài phát triển ở các làng quê như: Làng nghề sơn mài Hạ Thái (Duyên Thái - Hà Nội). Nhiều nghệ nhân làng Hạ Thái đã tạo ra được những sản phẩm nổi tiếng, như: Tranh phong cảnh, làng quê, mái đình, bến nước, vịnh Hạ Long, chùa Một Cột… được khách hàng đánh giá cao, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho đời sống của người dân nơi đây.
Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, người Hạ Thái còn tạo ra hàng nghìn mẫu sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như: Bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm... Ngoài chất liệu truyền thống, gần đây có thêm các chất liệu mới như composite, gốm sứ… những nghệ nhân trong làng cũng nghiên cứu cho ra nhiều màu mới với nhiều sắc độ khác nhau vừa tạo nên sự độc đáo vừa đa dạng cho sản phẩm.
Làng sơn mài Hạ Thái có nghệ nhân Vũ Huy Mến đã đưa những chất liệu mới vào sơn mài như vỏ trứng, vỏ trai, tạo màu vàng, màu son… Nghệ nhân Đinh Văn Thành là người đầu tiên đưa những bức tranh sơn mài đi giới thiệu tại các hội chợ ở Paris (Pháp) vào những năm đầu thế kỷ XX.
Năm 2003, làng nghề được Tổ chức JICA của Nhật Bản chọn làm điểm triển khai dự án xây dựng chiến lược phát triển làng nghề bền vững đến năm 2010, tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm, dành 6,3ha đất để xây dựng Cụm công nghiệp phát triển nghề sơn mài và thành lập Hội Sơn mài truyền thống làng Hạ Thái.
Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp ở phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nổi danh là chiếc nôi của ngành sơn mài mỹ thuật. Trải qua nhiều thăng trầm trong kinh tế thị trường, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đang dần khởi sắc.
Tại khu bảo tồn và trưng bày sản phẩm của cơ sở sơn mài Định Hòa - phường Tương Bình Hiệp hiện nay có hai dạng: Dạng hiện đại theo nhu cầu thị trường và dạng truyền thống thể hiện nét tinh hoa của nghệ thuật sơn mài. Dù hàng sơn mài đã có nhiều thay đổi để thích nghi với nhu cầu thị trường nhưng người thợ vẫn duy trì quy trình sản xuất với 12 đến 15 nước sơn bằng sơn ta truyền thống. Đây là cái gốc truyền thống sơn mài Tương Bình Hiệp.
Thông qua nhiều phương pháp thể hiện như: Sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc... kết hợp trên nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, gốm, tre..., sản phẩm sơn mài tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính.
Làng nghề thủ công truyền thống sơn mài Cát Đằng, huyện Ý Yên (Nam Định) lại nổi tiếng với sản phẩm truyền thống là sơn mài trên gỗ (chủ yếu là ngai, ỷ, kiệu, đồ tế lễ, thờ cúng). Hiện sản phẩm sơn mài Cát Đằng rất đa dạng, chủ yếu là đồ gia dụng gia đình, đồ trang trí nội thất: Bình, lọ, tranh, phù điêu... Sản phẩm có nguồn gốc từ Cát Đằng không những được tiêu thụ mạnh trong nước mà cũng là mặt hàng xuất khẩu, được ưa chuộng tại nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga và các nước ASEAN.
Có được thành công này, những nghệ nhân Cát Đằng đã sáng tạo ra cách làm sơn mài trên nứa, một sự kết hợp kinh nghiệm lâu đời và chất liệu mới, để tạo ra sản phẩm độc đáo được khách hàng ưa chuộng. Nghề sơn mài đã và đang có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống của người dân làng Cát Đằng, giải quyết phần lớn lao động trong làng và lao động ở các vùng lân cận, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Những công đoạn làm nên sản phẩm sơn mài yêu cầu chọn nguyên liệu cũng như kỹ thuật rất công phu. Những họa sĩ sơn mài thực sự là những người khéo léo, nhẫn nại, yêu nghề và thực sự là nghệ sĩ, giúp lan tỏa tinh hoa của một trong những sản phẩm độc đáo nhất của làng nghề Việt.