Độc đáo nghệ thuật tạo hình linh vật Tết ở Gia Lai
Đến thời điểm này, tạo hình các linh vật cho đường hoa xuân Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã hoàn thành khoảng 85% khối lượng công việc. Các nghệ nhân đang tập trung gấp rút hoàn thiện các khâu cuối cùng để trưng bày tại đường hoa trong những ngày tới.
4 cụm linh vật rắn chủ đạo
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, ngày 16/1, tại xưởng điêu khắc của nhà điêu khắc Nguyễn Vinh (43 tuổi) nằm tại số 200 Phù Đổng (TP. Pleiku), cụm linh vật rắn của đường hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ dần thành hình. Đứng trước gia đình rắn mang ý nghĩa sum họp, sum vầy, anh Vinh cho biết, sau khoảng 2 tháng thi công đã đạt hơn 85% tiến độ. "Dự kiến 1-2 ngày tới, các phần mô hình sẽ được mang ra đường hoa và lắp ráp hoàn thiện", anh Vinh nói.
Xưởng điêu khắc của anh Vinh là nơi sản xuất linh vật Tết mỗi năm cho đường hoa xuân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) |
Theo anh Vinh, linh vật rắn trang trí đường hoa năm nay được chia làm 4 cụm rõ rệt. Đầu tiên là mô hình rắn thổ cẩm với những nét đặc trưng mang biểu tượng văn hoá Tây Nguyên. Tiếp đó là gia đình rắn với nhiều linh vật rắn từ lớn đến nhỏ, quây quần bên nhau mang ý nghĩa “sum họp, sum vầy” những ngày đầu năm mới.
Hai mô hình rắn vàng, rắn bạc ở khu vực trung tâm với ý nghĩa mang tài lộc tới với mọi người, mọi nhà. Cuối cùng là các mô hình cồng chiêng được trưng bày để nhắc nhớ tới nơi từng diễn ra màn trình diễn cồng chiêng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công nhận kỷ lục đối với chương trình đồng diễn cồng chiêng Tây Nguyên có số lượng nghệ nhân, diễn viên và học sinh tham gia đông nhất Việt Nam diễn ra tại tỉnh Gia Lai.
Nhà điêu khắc Nguyễn Vinh là người tâm huyết và luôn sáng tạo trong những tác phẩm linh vật do mình tạo ra |
Mong người dân có cái nhìn cởi mở
Anh Vinh cho biết, trước khi bắt tay vào làm các linh vật, anh cùng các nghệ nhân đã ngồi lại, bàn bạc và lên bản phác thảo để tạo hình sao cho linh vật vừa tạo được điểm nhấn, vừa lấy được cái nhìn thiện cảm từ người dân.
"Người ta thường thấy loài rắn ngoài tự nhiên khá hung dữ và nguy hiểm. Nếu mô phỏng hình dáng của loài rắn ngoài tự nhiên vào thiết kế linh vật trang trí sẽ không phù hợp. Bởi vậy cái khó của linh vật rắn so với linh vật các năm trước là làm sao để chế tác một con vật có phần đáng sợ, dữ tợn này thành một tác phẩm nghệ thuật, nhẹ nhàng, uyển chuyển, mang nét hiền lành, thân thiện. Việc này đòi hỏi tính mỹ thuật cao để tiệm cận với đại đa số người dân và phù hợp với tinh thần tươi vui, phấn khởi dịp đầu năm mới” - anh Vinh chia sẻ.
Phần đầu linh vật luôn cần thợ có tay nghề cao để chế tác làm toát lên thần thái của con giáp. |
Nhiều năm thi công linh vật chính cho đường hoa, anh Vinh cho biết, khâu thiết kế và trang trí phần đầu vẫn là khó khăn nhất. Theo chủ xưởng, phần đầu luôn cần thợ có tay nghề cao để chế tác làm toát lên thần thái của con giáp.
Theo anh Vinh, các sản phẩm linh vật chủ yếu làm bằng xi măng, thạch cao hoặc nhựa tổng hợp composite. Để hoàn thiện một linh vật phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, căn cứ vào bản vẽ mẫu, người thợ sẽ tiến hành làm cốt bằng sắt và tre. Tiếp đến là khâu tạo hình con vật bằng đất sét. Theo chia sẻ của chủ cơ sở, đây là công đoạn khó nhất vì nó quyết định độ hoàn hảo và hồn cốt cho thành phẩm. Khi tạo hình đòi hỏi người thợ phải thật tỉ mỉ và khéo léo ở từng chi tiết. Việc này giúp tiết giảm thời gian cho các khâu tiếp theo.
Sau khi đúc khuôn thạch cao sẽ đến công đoạn đổ nhựa hoặc xi măng tạo hình hoàn chỉnh cho linh vật. Sản phẩm tiếp theo sẽ được làm mịn bề mặt để sẵn sàng cho khâu sơn vẽ. Công đoạn sơn vẽ trang trí cũng không kém phần quan trọng để “thổi hồn” vào linh vật.
"Với sự tâm huyết của các nghệ nhân, linh vật rắn khi hoàn thiện chúng tôi mong mỏi nhất là người dân có cái nhìn khách quan, cởi mở với sản phẩm. Hy vọng cụm linh vật sau khi được trưng bày sẽ tô điểm thêm sắc màu cho đường hoa xuân" - anh Vinh kỳ vọng.
Sơn màu là bước cuối cùng để hoàn thiện linh vật. |
Sơn màu là bước cuối cùng để hoàn thiện linh vật, anh Đinh Nguyễn Thành Dũng (31 tuổi) là thợ vẽ có gần 10 năm kinh nghiệm làm việc ở xưởng của anh Vinh. Anh Dũng cho rằng yếu tố quyết định thành công trong nghề là khả năng nhạy bén và tư duy phối hợp màu sắc, đặc biệt là việc chọn lựa tông màu phù hợp, cân bằng sáng tối.
"Các tác phẩm lớn thường sơn màu bằng máy, giúp chuyển màu mượt mà. Trong khi những chi tiết nhỏ vẫn cần được hoàn thiện bằng phương pháp sơn thủ công. Việc sơn đòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn thận vì nếu để sai thì sửa lại rất mất thời gian", anh Dũng nói.
Một số hình ảnh phóng viên Báo Công Thương ghi nhận tại xưởng sản xuất linh vật rắn Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025:
Xưởng điêu khắc của nhà điêu khắc Nguyễn Vinh (43 tuổi) nằm tại số 200 Phù Đổng (TP. Pleiku) |
Đầu tiên, căn cứ vào bản vẽ mẫu, người thợ sẽ tiến hành làm cốt bằng sắt và tre. Tiếp đến là khâu tạo hình con vật bằng đất sét |
Sau khi đúc khuôn thạch cao sẽ đến công đoạn đổ nhựa hoặc xi măng tạo hình hoàn chỉnh cho linh vật |
Sản phẩm tiếp theo sẽ được làm mịn bề mặt để sẵn sàng cho khâu sơn vẽ |
Công đoạn sơn vẽ trang trí cũng không kém phần quan trọng để “thổi hồn” vào linh vật |
Sơn màu, vẽ là bước cuối cùng để hoàn thiện các sản phẩm |
Sơn màu, vẽ là bước cuối cùng để hoàn thiện các sản phẩm |
Linh vật rắn trang trí đường hoa năm nay được chia làm 4 cụm rõ rệt. |
Được mệnh danh là trái tim phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) và là nơi đặt tượng đài Bác Hồ lớn nhất cả nước, dịp Tết Nguyên đán mỗi năm, Quảng trường Đại Đoàn Kết Gia Lai là nơi thu hút đông đảo du khách tới "check-in", thưởng ngoạn. Đường hoa Tết sẽ được thiết kế với những hình tượng văn hóa đặc trưng của vùng đất đỏ bazan, kết hợp với linh vật của năm 2025 đặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. |