|
Đàn lợn âm dương trong tranh Đông Hồ |
Khi nói về các bức tranh dân gian vẽ con lợn người ta luôn nghĩ đến các bức tranh Đông Hồ, điều đó thực dễ hiểu vì tranh Đông Hồ là dòng tranh nổi tiếng còn tồn tại đến ngày nay. Con lợn trong tranh Đông Hồ là một trong những con vật được tạo hình đẹp nhất. Có lẽ vì Đông Hồ là làng tranh giữa một vùng quê, nên đã có cái nhìn đẹp như vậy về một con vật nuôi tượng trưng cho ấm no, sung túc.
|
Con lợn trong tranh Đông Hồ được tạo hình rất đẹp |
|
Tranh Đông Hồ được in bằng nhiều bàn ván |
|
In từng màu lần lượt |
Tranh Đông Hồ có rất nhiều chủ đề riêng cho lợn. Nghệ nhân sản xuất tranh dân gian Đông Hồ - Nguyễn Thị Oanh cho biết: Có hai chủ đề chính là lợn độc (lợn ăn cây dáy) và đàn lợn âm dương. Tranh đàn lợn âm dương thể hiện đàn lợn con đang quây quần bên lợn mẹ. Mỗi con mỗi dáng vẻ: Con muốn trèo lên lưng, con muốn rúc vào bụng mẹ, các con khác đang hướng vào mầm lá khoai để ăn… tất cả đều có bố cục khoẻ, giản dị, giàu chất trang trí cách điệu, mà đậm đà tính hiện thực, chứa đựng ước muốn của người nông dân về tăng gia sản xuất, về cuộc sống sung túc, đông vui hòa thuận, hạnh phúc, con cháu đầy đàn.
|
In màu lần 1 |
|
Người làm tranh Đông Hồ rất công phu, cẩn thận |
Tranh lợn độc thể hiện một chàng lợn đực to khỏe đang ăn cây khoai dáy, đường nét cường điệu lạ đến bất ngờ. Miệng ngậm chặt cây dáy mắt trừng mở, lông dựng ngược, chân đóng chắc xuống đất như muốn nói lên cái "anh hùng nhất khoảnh" hòa hợp với tự nhiên.
Hai bức tranh lợn này mang đậm tính tư duy trừu tượng, phản ánh ước mơ sung túc, phồn thực, mưa thuận gió hòa trong thái bình thịnh trị của cư dân thôn dã châu thổ sông Hồng, đúng như câu ca dao:
"Thóc nhiều hẳn gạo đầy kho
Gà to, lợn béo cơm no áo lành".
|
Lợn trong tranh Đông Hồ luôn có xoáy âm dương |
Hình các chú lợn trong tranh Đông Hồ được viền bởi những nét khắc chắc khoẻ mà mềm mại, không chỉ đẹp mà còn đúng về đặc điểm hình thể. Con lợn nào cũng có xoáy âm dương được trang trí trên mình để thể hiện sự sinh sôi, phát triển. Tranh lợn Đông Hồ được in bằng nhiều bản ván, mỗi ván một màu. Màu của tranh Đông Hồ là màu truyền thống làm bằng các chất liệu có sẵn trong tự nhiên và được gọi là “thuốc cái”. Màu trắng là màu đặc trưng nhất của tranh Đông Hồ được làm từ vỏ điệp, sắc trắng có ánh lấp lánh rất quý. Màu vàng từ hoa hòe hay hạt dành dành, màu đỏ vang từ gỗ cây vang, đỏ son từ đất son, xanh lá cây là gỉ đồng, xanh chàm từ lá chàm và đen là than rơm nếp.
|
Để có được những bản khắc tinh xảo phải có người vẽ mẫu |
|
Vẽ mẫu tranh lợn |
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, để hoàn thành một bức tranh, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận và thực hiện nhiều công đoạn: Sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quét điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi… Cứ như thế, từng lớp, từng lớp dưới ánh sáng mặt trời lấp lánh các hình ảnh, đường nét của cảnh sắc thiên nhiên, nếp sinh hoạt của người dân…
|
Tranh lợn Đông Hồ bán rất chạy trong dịp Tết Kỉ Hợi |
Và rồi hình ảnh những chú lợn trong tranh Đông Hồ dần hiện lên với vóc dáng khỏe khoắn, hiền lành, đáng yêu. Chú ỉn thực tế đã là rất dễ thương, nhưng trong nghệ thuật điều này còn được nhân lên gấp nhiều lần bởi các nghệ sĩ dân gian đã thể hiện nó bằng các hình khối, mầu sắc, đường nét thật linh hoạt và sinh động.