Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nga, thuế từ dầu và khí đốt năm 2023 đã giảm 24% so với năm trước dù vẫn chiếm gần 1/3 tổng thu ngân sách năm 2023.
Số liệu của Bộ Tài chính Nga cho thấy, mức thâm hụt tài chính lên tới 3,2 nghìn tỷ rúp (36,1 tỷ USD), tương đương 1,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Con số này cao hơn 300 tỷ rúp so với mục tiêu ngân sách và ước tính cuối tháng 12 của Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov công bố. Thâm hụt tăng trong bối cảnh chi tiêu vượt dự báo 11%.
Doanh thu dầu và khí đốt năm 2023 của Nga giảm mạnh |
“Giá trung bình của dầu thô xuất khẩu chính Urals đã giảm hơn 17% trong năm 2023, xuống còn 62,99 USD/thùng. Mức giá này vẫn cao hơn trần 60 USD/thùng do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và đồng minh áp đặt cuối năm 2022 nhằm hạn chế doanh thu của Nga”, Bộ Tài chính Nga cho hay.
Đến nay Nga vẫn chưa tiết lộ dữ liệu về dòng khí đốt qua đường ống năm 2023. Tuy nhiên, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, xuất khẩu khí đốt qua đường ống của quốc gia này sang Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 65% so với năm 2022, xuống còn 20 tỷ đến 25 tỷ m3.
Dữ liệu của Bộ Tài chính Nga cũng cho thấy, chính phủ nước này đã trợ cấp 2,9 nghìn tỷ rúp cho ngành dầu mỏ ở năm 2023. Trong nỗ lực tăng doanh thu, Nga đã cắt giảm một nửa trợ cấp vào tháng 9 cùng năm.
Theo dữ liệu thống kê ngoại thương của Mỹ, Washington tiếp tục mua dầu của Moscow, bất chấp việc ủng hộ mạnh mẽ các lệnh trừng phạt chống Nga cũng như lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga từ đầu năm 2022.
Cụ thể, Mỹ đã nhập khẩu gần 10.000 thùng dầu thô của Nga, trị giá 749.500 USD, vào tháng 11/2023. Mặc dù các lệnh trừng phạt của Washington quy định cấm nhập khẩu dầu từ Nga, nhưng vẫn cho phép một số giao dịch theo giấy phép đặc biệt của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính. Hoạt động nhập khẩu trên được cho là lần đầu tiên Mỹ mua dầu trực tiếp từ Nga kể từ khi lệnh cấm được áp dụng.
Trước đó, Mỹ vẫn tiếp tục mua hàng hóa từ nước thứ ba trong thời gian áp đặt lệnh cấm nhập dầu Nga. Theo báo cáo gần đây của Global Witness, dựa trên dữ liệu theo dõi tàu của Kpler, trong 3 quý đầu năm ngoái, Mỹ nhập khẩu 30 triệu thùng nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu của Nga. Việc mua bán này được thực hiện thông qua cái mà cơ quan này gọi là “lỗ hổng lọc dầu”, cho phép dầu vào Mỹ sau khi được vận chuyển ra ngoài Nga và được tinh chế.