Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.
Vượt qua thách thức đại dịch Covid-19, đội ngũ doanh nhân cần tận dụng các trải nghiệm đáng giá để đón đợi những cơ hội đang đến |
Nền kinh tế đất nước đã đi qua nhiều giai đoạn phát triển, trong quá trình đó sự đóng góp cũng như vai trò, vị trí của cộng đồng doanh nhân đã được khẳng định như thế nào, thưa ông?
Trong suốt chiều dài phát triển và xây dựng, bảo vệ đất nước, Ðảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, cũng như phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân. Nhờ đó, đến nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp, khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, số lượng đội ngũ doanh nhân đã lên đến hơn 5 triệu người. Khu vực doanh nghiệp đã đóng góp hơn 60% GDP, với khoảng 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động. Những con số này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam không ngừng tăng nhanh về số lượng, cũng như quy mô của các thành phần kinh tế. Chèo lái các doanh nghiệp lớn mạnh là đội ngũ doanh nhân với tinh thần, khát vọng làm giàu, xây dựng đất nước hùng cường.
Nhìn lại mỗi thời kỳ, chúng ta đều thấy rõ, tầng lớp doanh nhân đã thể hiện tính tiên phong tốt nhất vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động, đóng góp lớn cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên mọi miền đất nước. Giai đoạn đất nước hội nhập, đội ngũ doanh nhân tiếp tục thể hiện sứ mệnh cao cả đó là tạo sức mạnh, gia tăng vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới. Mặt khác, không chỉ tham gia trên mặt trận kinh tế, đội ngũ doanh nhân còn tham gia, đóng góp quan trọng vào nhiều lĩnh vực khác nhau như đối ngoại nhân dân, phát triển văn hóa, xã hội… và ở bất cứ vị trí nào họ đều hoàn thành vai trò một cách xuất sắc.
Là rường cột của nền kinh tế, dù có trải qua nhiều thăng trầm nhưng thế hệ doanh nhân đất Việt luôn thể hiện bản lĩnh đáng ngưỡng vọng. Trong đại dịch Covid-19, ông đánh giá gì về bản lĩnh của đội ngũ doanh nhân?
Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) |
Tôi từng nhớ bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân ngày doanh nhân trước đây rằng, các doanh nhân đã có sự hy sinh lớn trong việc xây dựng đất nước và làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình. Đội ngũ doanh nhân đã tham gia giải quyết vấn đề xã hội, làm việc không ngừng nghỉ 24/7, có khi ngay cả trong mơ cũng còn trăn trở về bài toán kinh doanh, về thương trường, về trách nhiệm lớn lao phải gánh vác. 30 năm qua, chúng ta đã cùng nhau làm nên câu chuyện vượt nghèo vĩ đại, truyền cảm hứng mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế và 30 năm tới, chúng ta sẽ cùng nhau viết tiếp câu chuyện một Việt Nam giàu mạnh, ngẩng cao đầu đi khắp năm châu.
Bản lĩnh của cộng đồng doanh nhân có thể nói là đã được bồi đắp, hình thành và thích ứng linh hoạt với những đòi hỏi của từng thời kỳ phát triển mới. Hai năm qua trước sự tàn phá và áp lực từ đại dịch Covid-19, bản lĩnh, ý chí kiên cường, quyết tâm đương đầu của doanh nhân đã được phát huy mạnh mẽ hơn lúc nào hết qua sự nhanh nhạy, sáng tạo chuyển đổi mô hình, cơ cấu lại hoạt động, biến nguy thành cơ duy trì sản xuất, kinh doanh, vừa giữ chân khách hàng vừa tìm kiếm thị trường mới.
Đặc biệt, với tinh thần chống dịch như chống giặc, nhiều nhà máy dừng sản xuất ô tô để làm máy thở, những bệnh viện dã chiến được dựng lên, các chuyến bay đưa đồng bào trở về quê hương… tất cả tạo nên ấn tượng đẹp đẽ về một lớp doanh nhân mới, thể hiện rõ nét lòng yêu nước, ý thức xã hội, trách nhiệm với cộng đồng của các thế hệ doanh nhân.
Thách thức hội nhập, bài toán phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 đang đặt trên vai các doanh nhân trọng trách lớn lao. Vậy, để đưa đất nước vượt qua khó khăn, vững vàng hội nhập cộng đồng doanh nhân cần làm gì, theo ông?
Để nâng tầm vị thế đất nước trong bối cảnh hội nhập, yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay là phải nâng cao năng lực quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách bài bản, có trách nhiệm, phát triển bền vững, trong đó bảo đảm kết hợp với cả mục tiêu lợi nhuận gồm kinh tế, xã hội, môi trường, quan tâm đến cộng đồng.
Đồng thời, cần có tinh thần đổi mới sáng tạo quyết liệt hơn nữa trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang nhiều thay đổi, khó lường. Trong đó, phải tập trung vào các yếu tố đột phá như về con người, công nghiệp và có những sản phẩm vượt trội, thương hiệu, uy tín trên thị trường để vươn ra tầm thế giới.
Còn đối với phục hồi sản xuất, kinh doanh, sớm đưa nền kinh tế trở lại sau đại dịch, theo tôi cộng đồng doanh nhân cần tận dụng các trải nghiệm đáng giá để đón đợi những cơ hội đang đến. Nhất là khi chuỗi cung ứng, sản xuất tạm thời đứt gãy, mọi hoạt động kinh tế, xã hội đảo lộn lại thì càng cần giữ vững tinh thần, khát vọng làm giàu, làm kinh doanh.
Ngoài ra, phải thúc đẩy liên kết, tranh thủ, chắt chiu từng cơ hội kinh doanh để giữ vững thị phần; trong mọi hoàn cảnh không nên bỏ lỡ các hỗ trợ của nhà nước để có thêm nguồn lực vận hành doanh nghiệp. Đặc biệt, khi dịch lắng xuống nhưng vẫn phải duy trì chiến lược xuất, kinh doanh an toàn và trước mắt nên hy sinh lợi nhuận để giữ chân người lao động, tránh đứt gãy sản xuất, kinh doanh do thiếu nhân lực.
Xin cảm ơn ông!