Doanh nhân ngành Công Thương góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ |
Đây là khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) với phóng viên Báo Công Thương.
Là người có thời gian dài gắn bó với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp (DN) Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về đóng góp của các thế hệ doanh nhân nói chung và doanh nhân ngành Công Thương nói riêng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội những năm qua?
Với gần 1 triệu DN đang hoạt động, cộng với khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, có thể nói đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện đã lên đến hàng chục triệu người, đây là đội ngũ chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong làm kinh tế, của cải vật chất cho xã hội.
Thủ tướng Chính phủ và 60 doanh nhân tiêu biểu được vinh danh năm 2022 |
Những năm qua, đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ về chất lượng và số lượng, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa hàng chục triệu lao động từ khu vực kinh tế có năng suất thấp sang khu vực kinh tế có năng suất cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và cùng với cả dân tộc viết lên một câu chuyện thoát nghèo vĩ đại ở Việt Nam.
Trong lực lượng DN, doanh nhân của Việt Nam thì đội ngũ DN, doanh nhân trong ngành Công Thương đóng vai trò đầu tàu, vì bản chất của quá trình phát triển đất nước những năm qua là công nghiệp hóa và phát triển mạnh mẽ công nghiệp và thương mại. Những DN trong lĩnh vực Công Thương đóng vai trò đi đầu trong hội nhập kinh tế của đất nước, họ chính là “nhịp cầu nối” giữa kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới. Qua đó, DN, doanh nhân ngành Công Thương không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tạo ra những thành quả xuất khẩu, mà còn tiếp thu được kinh nghiệm của thế giới để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam thông qua các hoạt động của mình.
Các doanh nhân ngành Công Thương cũng có những ý tưởng, kiến nghị tích cực, đóng góp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của nước ta, nên có thể khẳng định, DN, doanh nhân Việt Nam nói chung và DN, doanh nhân ngành Công Thương nói riêng đã nắm giữ vai trò nòng cốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh những đóng góp thông qua tạo công ăn việc làm, tăng trưởng xuất khẩu và xóa đói giảm nghèo, ông đánh giá thế nào về tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước của đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay?
Có thể nói, trong thời chiến, “thước đo” lòng yêu nước chính là những nỗ lực chiến đấu với kẻ thù để giành lại độc lập cho đất nước và nhân vật trung tâm trong thời kỳ này chính là người lính. Nhưng trong thời bình, chúng ta đang kiến thiết, xây dựng lại đất nước, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng kinh tế để làm cho đất nước hùng cường, lớn mạnh, người dân có công ăn việc làm, thì đóng góp của nhân dân vào xây dựng kinh tế chính là “thước đo” lòng yêu nước, tinh thần dân tộc của họ.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) |
Đối với đội ngũ doanh nhân, làm DN không chỉ để lo cho bản thân, gia đình mình, mà còn tạo công ăn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Có nghĩa là, họ đã vượt ra ngoài những lợi ích cá nhân, gia đình, hướng tới lợi ích dân tộc, quốc gia, cống hiến vì màu cờ sắc áo của dân tộc Việt Nam, đó chính là lòng yêu nước. Nên xét về mọi khía cạnh, hoạt động kinh doanh và tinh thần của doanh nhân chính là tinh thần yêu nước, tinh thần dấn thân, và họ chính là những người chiến sĩ thời bình trên mặt trận kinh tế.
Những năm qua, để tạo thuận lợi cho DN, doanh nhân phát triển, Đảng, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều chính sách thiết thực. Ông đánh giá ra sao về những chính sách đó?
Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho DN, doanh nhân hoạt động. Nhất là trong 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19, cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân đối mặt với những thách thức to lớn, trong bối cảnh đó, DN, doanh nhân đã nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ trong duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và một loạt các gói hỗ trợ về tiền tệ, tài khóa… nhiều DN đã được hưởng lợi trực tiếp từ những chính sách này thông qua giảm, hoãn thuế, ưu đãi tín dụng… giúp DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Riêng ngành Công Thương, thời gian qua cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế thông qua đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tạo cơ hội cho DN duy trì sản xuất, mở rộng thị trường, duy trì chuỗi cung ứng. Điều đó đã tạo niềm tin cho DN, doanh nhân vào thể chế, chính sách, tiếp sức cho họ vượt qua khó khăn, tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Ông có lời khuyên gì cho đội ngũ doanh nhân trẻ hiện nay trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đặt doanh nhân, DN đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức?
Chúng ta đang bước vào một giai đoạn, thời đại kinh doanh khác so với những thập kỷ qua, vì thế giới đang có những biến động rất khó lường, suốt những năm qua, nếu xét trên phạm vi toàn cầu thì đó là quá trình thúc đẩy hội nhập, hội nhập như một động thái chủ yếu của phát triển kinh tế toàn cầu. Nhưng hiện tại, đang có những xu hướng phản hội nhập, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới thậm chí còn tìm cách kéo các nhà DN của họ trở về nước đầu tư, nhằm tránh rủi ro như chiến tranh, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…
Đòi hỏi DN, doanh nhân phải thích nghi với bối cảnh mới bằng cách nâng cao khả năng chống chịu và có thể trụ vững được bằng nội lực của mình là điều quan trọng nhất. Bên cạnh đó, cần đề cao phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số, phát triển xanh, thân thiện với môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội. Đây là những giá trị cốt lõi nền tảng, đang định hình thế giới này.
Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng, lựa chọn hàng hóa đang có nhiều thay đổi, không chỉ tập trung vào chất lượng, giá cả, hiện người tiêu dùng còn quan tâm đến cách thức làm ra các hàng hóa đó, theo đó những hàng hóa thân thiện với môi trường, tôn trọng con người, không hủy hoại tài nguyên, tuân thủ đầy đủ trách nhiệm xã hội sẽ được lựa chọn. Nên DN, doanh nhân cần tập trung nhiều vào kinh tế số, phát triển kinh tế xanh, thực hiện trách nhiệm xã hội và xây dựng được mô hình quản trị DN hiệu quả, nâng cao khả năng chống chịu trước những diễn biến mới. Đó chính là năng lực cạnh tranh cốt lõi của DN, giúp DN, doanh nhân chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đường dài với nhiều gian nan, trong một thế giới đầy biến động.
Xin cảm ơn ông!