TP. Hồ Chí Minh: Công bố chương trình xét chọn và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh” năm 2023 Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 4 có gì đặc biệt? |
Bên lề họp báo thông tin về công tác tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 4 (HEF 2023), ngày 7/9, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA)- cho biết, trong khuôn khổ HEF 2023, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo HUBA phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng và các đơn vị liên quan tổ chức xét chọn để thành phố tôn vinh, trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP. Hồ Chí Minh năm 2023”.
Việc tổ chức xét chọn danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP. Hồ Chí Minh năm 2023” nhằm tôn vinh, khen thưởng, khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ các quy định về xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh; có nhiều nghiên cứu và sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững. Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, nâng cao tính cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA |
Danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP. Hồ Chí Minh năm 2023 được phát động triển khai từ tháng 5/2023. Theo đó, Ban tổ chức đã xây dựng 2 bộ tiêu chí đánh giá dành cho 2 đối tượng xét chọn là doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, bất động sản.
Đến nay, Ban tổ chức đã tiếp nhận hơn 111 hồ sơ doanh nghiệp đăng ký tham gia. Trải qua hai vòng đánh giá của Hội đồng thẩm định và Hội đồng xét chọn, Ban tổ chức đã chọn gần 60 doanh nghiệp đề cử trao “Doanh nghiệp xanh TP. Hồ Chí Minh năm 2023”. Hiện những công tác liên quan đến xét chọn danh sách doanh nghiệp xanh đã hoàn tất. Dự kiến Lễ tôn vinh và danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP. Hồ Chí Minh năm 2023” sẽ được tổ chức vào 16h30 ngày 13/9/2023.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, “xanh hóa” đã trở thành yều cầu tất yếu và “luật chơi” mới trên thị trường trong nước và nước ngoài. Tại thị trường trong nước, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm xanh và môi trường sống an toàn, bảo vệ thiên nhiên ngày càng được sự quan tâm của xã hội. Không dừng lại đó, với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp được xem là tất yếu và sống còn. Gần đây nhất, Liên minh Liên minh châu Âu vừa thông báo, bắt đầu từ ngày 1/10/2023, EU sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ở giai đoạn chuyển tiếp. Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, với rào cản tiêu chuẩn chất lượng, phòng vệ thương mại, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã liên kết triển khai thích ứng khá tốt. Riêng với tiêu chuẩn môi trường thì doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc TP. Hồ Chí Minh quyết định xét chọn để tôn vinh và trao danh hiệu doanh nghiệp xanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiệm cận với tiêu chuẩn xanh của toàn cầu, chủ động và tích cực chuyển đổi xanh, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế thành công. Danh hiệu này sẽ được TP. Hồ Chí Minh duy trì và xét chọn để tôn vinh hàng năm trong thời gian tới.
“Danh hiệu doanh nghiệp xanh được xem như giấy thông hành giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản, vươn mình mở rộng thị phần xuất khẩu cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng cung ứng sản phẩm, hàng hóa cho thị trường”- ông Hòa kỳ vọng.