Doanh nghiệp Việt có thể mất 1,9 tỷ USD mỗi năm vì gián đoạn chuỗi cung ứng Doanh nghiệp năng lượng đưa tính bền vững vào chiến lược kinh doanh |
Cấp bách đưa tính bền vững vào kinh doanh
Tại Diễn đàn Quản trị cấp cao Việt Nam - Singapore (VSBF 2023) lần 3 với chủ đề “Thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm trong kỷ nguyên số”, do VietStar phối hợp Đại học Quản lý Singapore đồng tổ chức ngày 12/5 tại Hà Nội, các doanh nghiệp tham dự đều nhất trí rằng: Hiện tại bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam - Singapore nói riêng đang phải chịu tác động từ sự bất định như nhiệt độ gia tăng và hiện tượng thời tiết cực đoan.
Cụ thể, theo ông Lim Boon Heng, Nguyên Bộ trưởng Nội các trong Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Singapore, Chủ tịch Temasek Holdings, Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã đưa ra báo cáo đánh giá thứ sáu AR6 với chủ đề “Biến đổi khí hậu năm 2023” vào tháng 3 - trước thềm hội nghị COP 28 diễn ra tại Dubai từ ngày 30/11 đến 12/12/2023. Báo cáo đã chỉ ra rằng, có nhiều khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng khoảng 1,5 độ C, dự đoán sẽ xảy ra trước năm 2040. “Tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế toàn cầu đã bộc lộ rõ ràng qua đại dịch COVID-19 và chiến tranh Ukraine. Chiến lược bền vững và phương thức mới để đạt được tăng trưởng trở thành vấn đề vô cùng cấp bách”- ông Lim Boon Heng nói.
Theo ông Lim Boon Heng, doanh nghiệp nếu coi sự chuyển dịch này là cơ hội thay cho rủi ro thì sẽ dễ gặt hái được thành công. Và doanh nghiệp cần phát triển sản phẩm mới, đưa ra mô hình sáng tạo và liên quan đến phát triển, vận hành doanh nghiệp, phương thức bồi dưỡng lực lượng lao động và giao tiếp tốt hơn với phía nhà đầu tư, khách hàng, cơ quan quản lý, và các bên liên quan khác.
VSBF 2023 thu hút các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và quốc tế tham gia |
Trong bối cảnh đó, bà Phạm Thị Thu Hằng - Giám đốc Điều hành VietStar, Giám đốc VSBF cho biết: VSBF 2023 tiếp tục được tổ chức, quy tụ các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các doanh nghiệp cùng học giả trong nước và quốc tế để thảo luận, cập nhật, chính sách, giải pháp, những hàm ý chiến lược nhằm hướng đến sự tăng trưởng bền vững bao trùm.
Theo đó, VSBF 2023 tập trung vào các nội dung trọng yếu như: Bức tranh kinh tế Việt Nam và dự báo tăng trưởng trong 2023; Dẫn dắt chuyển đổi công nghệ và tạo ra những đổi mới bền vững… Sự kiện thu hút đông đảo lãnh đạo cấp cao của các Tập đoàn Việt Nam và Singapore tham gia.
Bài học từ các doanh nghiệp hàng đầu
Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi thành công từ Temasek, ông Lim Boon Heng cho biết, bền vững là yếu tố trọng tâm cho mọi hoạt động tại Temasek. Hàng năm, hội nghị về hệ sinh thái và sự phát triển thịnh vượng - Ecosperity là một trong những nền tảng chính để tập đoàn chúng tôi khuyến khích, hỗ trợ phát triển bền vững. Chúng tôi hợp tác với các nhà lãnh đạo toàn cầu ở cả lĩnh vực tư và lĩnh vực công, với giới học thuật và xã hội dân sự, trao đổi quan điểm và giải pháp tốt nhất, thúc đẩy kế hoạch tăng trưởng bền vững. Hội nghị năm nay diễn ra từ ngày 6/6 đến ngày 8/6/2023.
Còn theo ông Wong Kim Yin, Chủ tịch & CEO, Tập đoàn Sembcorp Industries Ltd, để có thể thu hẹp khoảng cách giữa phát triển bền vững và bài toán lợi nhuận, thời gian qua Sembcorp đã thúc đẩy tăng trưởng từ năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ. Doanh nghiệp cũng tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo và lưu trữ năng lượng; mở rộng giải pháp bền vững cho khách hàng, đối tác và nhà cung cấp; đặc biệt là đưa KPI về tính bền vững vào hoạt động kinh doanh, quy trình và công nghệ.
Từ phía Việt Nam, trong những năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu gia tăng của các nhà đầu tư về đầu tư bền vững và sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt sau cam kết của Việt Nam tại COP 26, các doanh nghiệp tư nhân - doanh nghiệp Nhà nước đã dần quan tâm tới ESG (tiêu chí về môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp) và thực hành các thông lệ ESG trong hoạt động sản xuất kinh doanh với các cấp độ khác nhau.
Liên quan nội dung này, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)- cho biết, trên hành trình ESG, PVN đã và đang thực hiện các công việc như thường xuyên trao đổi, đánh giá để nhận diện các vấn đề trọng yếu về ESG cần giải quyết. Cân bằng các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị trong quá trình thực hành ESG. Thiết lập cơ cấu quản trị ESG.
Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch PVN chia sẻ tại Diễn đàn |
“Trong thời điểm hiện nay, chúng tôi xác định chuyển dịch năng lượng là quá trình phát triển tất yếu. Do vậy, ngoài cơ cấu tổ chức đã được thiết lập để quản trị tốt ESG, chúng tôi đã thành lập các Ban chỉ đạo liên quan khác gồm Ban chỉ đạo chuyển dịch năng lượng do Tổng giám đốc Tập đoàn làm trưởng ban, Tổng giám đốc các đơn vị là thành viên. PVN cũng đã thành lập Tổ quản lý rủi ro với chức năng nhiệm vụ nhận diện, đánh giá và cảnh báo các rủi ro về tài chính, pháp lý, môi trường, quản trị trong quá trình hoạt động của PVN cũng như đề ra các biện pháp kiểm soát phòng ngừa, khắc phục hậu quả”- ông Hoàng Quốc Vượng cho biết thêm.
Theo ông Vượng, trong định hướng sắp tới, PVN tiếp tục hoàn thiện chiến lược về ESG song song với việc hoàn thiện Chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; liên tục cải tiến bộ máy quản trị ESG phù hợp để xây dựng các chỉ tiêu ESG cụ thể và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đã thiết lập; nâng cao quá trình thực hành ESG; tiếp tục đánh giá, lựa chọn các vấn đề trọng yếu và công bố thông tin đầy đủ, chính xác, tin cậy…
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là: cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”. Thể hiện nỗ lực này, chúng ta đã giảm dần việc sử dụng năng lượng từ nguồn hóa thạch như than đá, dầu mỏ và tăng nguồn năng lượng tái tạo để thay thế. Tuy nhiên, để làm được theo các cam kết trên thì vai trò của công nghệ hết sức quan trọng bởi những công nghệ mới có thể sử dụng để giảm phát thải khí nhà kính. Trong quá trình đó, theo ông Trần Văn Tùng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang có những hoạt động thiết thực đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Chẳng hạn như thực hiện chuyển giao công nghệ trong quá trình chuyển đổi số cho lĩnh vực giao thông vận tải; có chương trình hỗ trợ việc phát triển năng lượng… |