Khó khăn kép
Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, đơn vị vận tải hành khách tuyến Hà Nội - Lào Cai - cho biết, dù hoạt động du lịch đang từng bước khôi phục, nhưng công ty mới hoạt động được 30% lượng phương tiện, chủ yếu là các xe cỡ nhỏ, ít giường. Đối với xe giường nằm cỡ lớn, hành khách vẫn e ngại vấn đề dịch Covid-19. Thời gian qua, thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, hạn chế số lượng hành khách di chuyển trên mỗi chuyến xe, doanh thu của DN giảm đến 70%, xe chạy phải giảm số chuyến vì không có khách. “Nay giá xăng dầu tăng, nếu cố chạy, tăng chuyến, chúng tôi sẽ tiếp tục thua lỗ; nếu nghỉ, vẫn còn gánh nặng nợ ngân hàng. Xe bán thời điểm này cũng chỉ có lỗ” - ông Bằng cho hay.
Doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn |
Cùng cảnh, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Chủ DN vận tải Đất Cảng (Hải Phòng) - cũng đang chịu áp lực rất lớn từ việc kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc liệu có tăng giá cước xe để bù lỗ, ông Hải cho biết: Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, phương án tăng giá vé không khả thi để bù lỗ hay giảm lỗ, bởi kinh tế người dân đã hạn hẹp, giờ tăng vé, sẽ mất hết khách.
Theo ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, thực tế, ngành vận tải hành khách đường bộ bị tê liệt suốt 2 năm vừa qua. Đến thời điểm này, vận tải hành khách tuyến cố định và taxi vẫn phục vụ 50% số chỗ ngồi. Đặc biệt, người dân vẫn e ngại chưa sử dụng dịch vụ vận tải khách công cộng, nên số xe chỉ chạy 60% công suất. Thêm nữa, do ảnh hưởng của dịch, thời gian giãn cách quá dài nên đứt gãy chuỗi lao động, các DN đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng.
Chủ động tái cơ cấu
Với việc xăng dầu chiếm đến 40% đơn giá vận chuyển nên khi nguyên liệu tăng giá, chắc chắn những chi phí vận tải sẽ chịu ảnh hưởng. Các DN vận tải cho rằng, Chính phủ cần có động thái cần thiết điều hành, bình ổn giá xăng dầu, nhất là trong bối cảnh cả nước đang hồi phục kinh tế. Đồng thời, xem xét cơ cấu về thuế, phí và các công cụ linh hoạt hơn để điều hành giá xăng dầu, giảm bớt khó khăn cho người dân, DN.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, hiện nay, thuế trên giá cơ sở xăng dầu của Việt Nam tương đối thấp. Nếu so với giá cơ sở giá xăng dầu của các nước xung quanh như Lào, Campuchia, Philippines, Trung Quốc…, giá xăng dầu của chúng ta đang thấp hơn, không thể hạ thuế được. Nếu hạ thuế, sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo ra nạn buôn lậu xăng dầu sang các quốc gia xung quanh. Quan trọng nhất, DN phải tái cấu trúc lại hoạt động để giảm thiểu chi phí sản xuất, kinh doanh cũng như chi phí liên quan đến xăng dầu, tăng cường các giải pháp marketing để có hợp đồng hai chiều, tránh tình trạng chạy xe rỗng.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ cần xem xét, có biện pháp hỗ trợ DN vận tải như liên quan đến các chi phí lưu kho, lưu bãi, chi phí lăn bánh xe trên đường, kiểm định xe… Đặc biệt, Chính phủ nên có chương trình cho vay lãi suất thấp, có quy định cụ thể đối với các lĩnh vực, từng ngành nghề.
Các DN nên tìm kiếm phương thức hiện đại hơn, tốt hơn để giảm thiểu sử dụng nhiên liệu xăng dầu, nhiên liệu hóa thạch như xe điện…, giảm chi phí liên quan đến hoạt động. |