Để hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 năm 2050 ngành giao thông vận tải theo Quyết định 876 QĐ-TTg ngày 22/7/2022, các thành phố lớn trong đó có TP. Hồ Chí Minh cần đảm bảo lộ trình chuyển đổi sử dụng năng lượng trong vận tải hành khách công cộng. Theo đó, từ năm 2025, 100% xe buýt đô thị thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; từ năm 2030, 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, thành phố cần phải chuẩn bị đầy đủ khung chính sách thể chế, nguồn lực thực hiện, kích hoạt và huy động sự tham gia của khối tư nhân trên cơ sở các khuyến nghị từ các nghiên cứu, nhà khoa học.
Xe bus điện sẽ góp phần chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông (Ảnh minh họa) |
Trước đó, phát biểu tại hội thảo về chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng điện đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh diễn ra vào ngày 30/7/2024 do Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức, TS Lê Văn Nghĩa (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã cung cấp số liệu hết sức ấn tượng về lượng khí CO2 giảm từ hơn 7.984 tấn xuống chỉ còn khoảng 4.077 tấn mỗi ngày thông qua việc chuyển đổi từ xe buýt sử dụng diesel sang năng lượng điện. TS Nghĩa nhấn mạnh, việc chuyển đổi này không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Xuân Mai (Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh) cũng đã chia sẻ về lợi thế của xe buýt điện so với xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời khẳng định xe buýt điện ngày càng được ưa chuộng nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ và chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Ông Phạm Vương Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP. Hồ Chí Minh, thông báo rằng thành phố hiện có 2.209 xe buýt đang hoạt động, trong đó có 546 xe sử dụng năng lượng xanh. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, toàn bộ xe buýt mới sẽ chuyển sang sử dụng điện và năng lượng xanh. "Với việc mở mới 72 tuyến xe buýt từ nay đến năm 2030, mục tiêu của thành phố là không chỉ thay thế mà còn mở rộng đoàn phương tiện xe buýt xanh, hướng tới 100% xe buýt ở TP. Hồ Chí Minh sử dụng năng lượng xanh vào năm 2030."- ông Phạm Vương Bảo khẳng định.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh yêu cầu đảm bảo lộ trình chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông ở Việt Nam |
Lợi ích của xe buýt xanh đã thấy rõ, tuy nhiên, đại diện Công ty Saigon Bus cũng chia sẻ băn khoăn của doanh nghiệp về quy hoạch phát triển và cung cấp các hạ tầng trạm sạc phù hợp với đặc tính và lộ trình vận hành của xe buýt điện nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn năng lượng cho xe buýt điện vận hành.
Giải đáp băn khoăn của doanh nghiệp, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Việc phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ xe điện, bao gồm việc lập kế hoạch đầu tư và xây dựng các trạm sạc điện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xe buýt điện đã và đang được TP. Hồ Chí Minh triển khai ráo riết.
Ông Vũ Thái Trường, Quyền trưởng phòng Biến đổi Khí hậu Môi trường và Năng lượng của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: "TP. Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn là hình mẫu về phát triển giao thông xanh tại Việt Nam. UNDP sẽ tiếp tục đồng hành cùng với thành phố Hồ Chí Minh trong việc hỗ trợ chuyển đổi sử dụng điện và năng lượng sạch đối với hoạt động vận tải công cộng trên địa bàn, hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả cư dân thành phố".
"Hội thảo về chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng điện đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh này là một trong những hoạt động góp phần xây dựng Đề án chuyển đổi năng lượng cho hoạt động giao thông vận tải của TP. Hồ Chí Minh"- ông Trường khẳng định.