Ông Nguyễn Dương Tuấn - Tổng giám đốc SolarBK - cho biết, sự hợp tác giữa SolarBK với ĐHBK nhằm thực hiện chung một mục tiêu là để phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam. Hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu, phát triển và triển khai các công nghệ mới, chia sẻ các kinh nghiệm và chuyên môn theo nhu cầu thực tế của hai bên. Thành lập nhóm chuyên gia để cùng nghiên cứu khoa học các dự án liên quan đến phát triển năng lượng sạch thông minh “Made in Vietnam”, hỗ trợ chuyển giao công nghệ về lĩnh vực năng lượng tái tạo .
Sự hợp tác này còn đầu mối để hỗ trợ các sinh viên - nguồn nhân lực tương lai tiếp cận với môi trường làm việc thực tế thông qua cơ hội thực tập và đào tạo các kỹ năng làm việc. Tổ chức các chương trình đào tạo về năng lượng sạch (có cấp chứng chỉ) cũng được triển khai song song với việc nhân rộng mô hình không gian năng lượng sạch (SES). “Sự hợp tác này không chỉ đem lại cho SolarBK chủ động nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là điều kiện để doanh nghiệp và nhà trường cùng thực hiện những chuyên đề nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn, góp phần nâng cao cải tiến sản xuất và chất lượng sản phẩm “Made in Việt Nam”, thực hiện hóa sứ mệnh phổ biến điện mặt trời gần gũi hơn với cuộc sống”, ông Tuấn chia sẻ.
PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng ĐHBK cho rằng, sự hợp tác giữa doanh nghiệp với nhà trường sẽ cho ra những đề tài nghiên cứu khoa học hiệu quả, mang tính ứng dụng cao, từ đó thu hút sự quan tâm của các bạn sinh viên với ngành năng lượng sạch. Đây cũng là cơ hội để các sinh viên được cọ xát thực tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngành năng lượng sạch tại Việt Nam.
Theo PGS-TS Mai Thanh Phong, sự hợp tác giữa SolarBK và ĐHBK đã diễn ra trong nhiều năm trước và đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, nhất là lĩnh vực năng lượng sạch. Chẳng hạn năm 2017, SolarBK và ĐHBK đưa Không gian trải nghiệm năng lượng sạch (SES) vào hoạt động, đây là mô hình trải nghiệm về năng lượng sạch đầu tiên tại Việt Nam dành cho các bạn sinh viên. Với công suất 16.065 kWp, hệ thống ước tính giảm thải được gần 23 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm, tiếp cận gần 24,000 sinh viên Bách Khoa tìm hiểu về năng lượng tái tạo. Tính đến hết 2018, Không gian trải nghiệm năng lượng sạch đã tổ chức thành công gần 10 buổi đào tạo, trong đó có hơn 240 cán bộ, chuyên viên và sinh viên các khối ngành kỹ thuật, yêu thích tìm hiểu về năng lượng sạch.
“Dự án “Không gian trải nghiệm năng lượng sạch” đã vượt qua hơn 41 đối thủ để trở thành dự án duy nhất của Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc thi Quốc tế The smarter E Award 2018 – hạng mục Outstanding Project. Đây là một trong những kết qủa thành công bước đầu của sự hợp tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật giữa doanh nghiệp với nhà trường “, ông Phong khẳng định.