Chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi tổng thể và toàn diện phương thức phát triển, cũng như thay đổi cách sống, cách làm việc mang lại những giá trị tích cực, tạo hiệu quả hơn cho kinh doanh của DN. Điều này thể hiện ở các khía cạnh, như: Số hóa thông tin; số hóa tổ chức; chuyển đổi toàn diện tổ chức từ tư duy, mô hình, lãnh đạo, văn hóa và hoạt động của DN.
Giáo sư Hồ Tú Bảo, chuyên gia công nghệ thông tin – Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán |
Kinh tế số là nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử qua internet; đồng thời chuyển đổi số còn được xem là điểm cốt lõi của CMCN 4.0. Trước ngưỡng cửa này, hiện có 6 thách thức đang đặt ra đối với DN Việt Nam, là: Nhận thức và tư duy mới; chiến lược và lộ trình hoạt động; xây dựng năng lực số gồm nhân lực, hạ tầng, văn hóa; xác định công nghệ chính trong vận hành của DN; thay đổi sáng tạo mô hình kinh doanh; điều chỉnh tổ chức từ nhỏ đến lớn.
Như ông phân tích thì chuyển đổi số là sự thay đổi theo quy luật phát triển của nền kinh tế, vậy thái độ sẵn sàng của DN Việt Nam trước vấn đề này là như thế nào?
Chuyển đổi số là một thực tế khách quan, là giai đoạn phát triển không thể khác của sản xuất và cuộc sống; đây là một hành trình dài với vô vàn thách thức của nhiều bước chuyển nhỏ. Do đó, DN không thể không chuyển đổi số và DN nên đi sớm. Hiện tại, DN đều ít nhiều đã nghe đến chuyển đổi số, nhưng để áp dụng và tạo sự thay đổi, sáng tạo trong kinh doanh là chưa thật sự rõ nét, thực tế là vì DN vẫn chưa nghĩ đây là câu chuyện sống còn liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình.
Vì vậy, hiện DN Việt Nam chưa thật sự sẵn sàng nhập cuộc, đa số còn đang rất lúng túng với chuyển đổi số, không biết làm như thế nào và thay đổi gì cho phù hợp. Trong khi, sự chuyển đổi này không phải là quá khó với DN có tiềm lực nhưng lại hạn chế đối với DN nhỏ và vừa, và có nhiều cách để DN có thể làm được tùy theo năng lực, nhu cầu, lĩnh vực kinh doanh của DN. Cụ thể, DN có thể làm từng bước bằng cách thu thập dữ liệu, phân tích hiệu ứng từ thị trường để hiểu rõ hơn về thực trạng hoạt động của mình, qua đó có thể chuẩn bị được hành trang và đạt mục tiêu kinh doanh phù hợp trong thời kỳ số hóa.
Vậy, trước ngưỡng cửa số hóa, DN Việt Nam cần làm gì để chuyển đổi thành công trong khi thực tế tiềm lực còn rất hạn chế, và Chính phủ cần có sự hỗ trợ gì cho DN, thưa ông?
DN muốn chuyển đổi số thành công, trước hết phải bắt đầu từ sự thấu hiểu và có ý chí mạnh mẽ. Theo đó, cần bắt nguồn từ nhận thức và chiến lược của DN chứ không phải là vấn đề riêng của công nghệ. Điều quan trọng nhất là phải thực hiện ở mọi cấp, từ lãnh đạo đến các bộ phận của DN; cần có tầm nhìn lớn, nhưng bắt đầu với các dự án nhỏ, thực hiện trong quãng thời gian thích hợp. Trong đó, một DN có bước chuyển đổi thành công, trước hết người lãnh đạo phải ở tâm thế sẵn sàng hiểu rõ DN muốn gì và công nghệ có thể thay đổi DN của mình như thế nào. Từ đó sẽ có sự sẵn sàng về tổ chức, công nghệ cho việc chuyển đổi.
Thực tế, chuyển đổi số đang là phương thức phát triển mới, là con đường vận hành chủ đạo của nền kinh tế. Do đó, Việt Nam phải gắn liền sự chuyển đổi này thì mới hội nhập được với kinh tế thế giới. Chính phủ đang xây Đề án chuyển đổi số quốc gia, theo tôi đây là điều hết sức quan trọng để chúng ta vận hành nền kinh tế trong thời kỳ số. Tại đề án này, sẽ có các cơ chế hỗ trợ DN ứng dụng và kinh doanh theo mô hình số mới, tuy nhiên, trước hết thông qua đề án là để chúng ta xây dựng được hạ tầng số quốc gia, đầu tư trang thiết bị, công nghệ vận hành hệ thống dữ liệu, trong đó dữ liệu của các bộ, ngành sẽ rất hữu ích với DN. Đồng thời, đề án là cách để Việt Nam chuẩn bị nhân lực, chính sách mới phù hợp với kinh tế số.
Xin cảm ơn ông!