Trong bối cảnh KH&CN và đổi mới sáng tạo có ảnh hưởng ngày càng rõ nét đối với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương đã có những bước điều chỉnh nhanh chóng trong định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện. Các nhiệm vụ đã tập trung vào hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao.
Đổi mới KH&CN giúp DN tự tin vươn lên trong hội nhập |
Bà Kiều Nguyễn Việt Hà - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - cho biết, trong giai đoạn 2011-2020, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai 9 Chương trình KH&CN quốc gia; 2 Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ; 1 Đề án ứng dụng KH&CN trong tái cơ cấu ngành Công Thương. Qua đó, đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ việc hoàn thiện chính sách quản lý và phát triển của ngành.
Đồng thời, kết quả nghiên cứu được ứng dụng, mang lại hiệu quả tích cực cho việc nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của DN trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp như: Dầu khí, khai thác - chế biến khoáng sản, năng lượng, cơ khí chế tạo, hóa dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường. Một số công trình nghiên cứu khẳng định vị thế về KH&CN trong khu vực.
Đáng chú ý, nhờ ứng dụng KH&CN, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu (CIP) ở mức khá cao, thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao. Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với các DN, tạo đột phá trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Mặc dù vậy, theo nhận định của Vụ KH&CN, trình độ công nghệ trong một số ngành còn lạc hậu, chậm được đổi mới, tư duy và nhận thức của nhiều DN còn quá chú trọng lợi thế vào lao động giá rẻ, chưa quan tâm đến hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo. Số lượng các DN tham gia các chương trình, đề án KH&CN các cấp còn hạn chế.
Để thúc đẩy hoạt động ứng dụng KH&CN trong các DN, bà Kiều Nguyễn Việt Hà cho rằng, cần có chính sách/chương trình phù hợp cho các nhóm đối tượng ở trình độ phát triển, năng lực hấp thụ công nghệ khác nhau. Cụ thể, đối với nhóm không có năng lực công nghệ, cần xây dựng một phần năng lực trong doanh nghiệp, từ đó khởi phát quá trình học hỏi và phát triển. Đối với nhóm có năng lực công nghệ tối thiểu, cần tăng cường sự quan tâm và nhu cầu đầu tư cho KH&CN; cung cấp phương thức tăng cường năng lực nội bộ; kết nối thông tin bên ngoài.
Đối với nhóm DN công nghệ, cần thúc đẩy hợp tác nghiên cứu với các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Còn đối với nhóm có năng lực công nghệ, tăng cường khả năng tiếp cận các mạng lưới tri thức và các đơn vị cung cấp tri thức. “Cần đổi mới các chính sách, cơ chế khuyến khích tài chính cho DN đầu tư cho KH&CN. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam” - bà Kiều Nguyễn Việt Hà nêu.
Theo Vụ KH&CN, cần xây dựng và triển khai các chương trình KH&CN trọng điểm gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên và yêu cầu hỗ trợ của DN. Ngoài ra, phát triển hệ sinh thái phục vụ hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo của các DN theo hướng lấy DN làm trung tâm, kết nối viện, trường. |