Cơ sở sản xuất cà phê Trung Hải là một trong những đơn vị bị ảnh hưởng nặng từ dịch này. Ông Liêu Trung Hải - Chủ cơ sở sản xuất cà phê Trung Hải - cho biết, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng khiến việc tiêu thụ hàng hóa bị giảm 50% so với trước đây.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Vĩnh Long, không riêng gì doanh nghiệp trên mà sự bùng phát của dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng làm cho thị trường tiêu thụ bị co hẹp, ngành du lịch và các loại hình kinh doanh ăn theo ngành này chịu tác động mạnh mẽ khiến nguồn thu của doanh nghiệp sụt giảm.
Danh mục sản phẩm đa dạng được Công ty TNHH Đông Phát Food cập nhật liên tục trên website công ty để giới thiệu tới người tiêu dùng |
Trước những khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chuyển hướng đi mới nhằm thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Đơn cử như với mặt hàng bún, phở. Trong thời gian qua nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng mạnh gấp 2-3 lần do người tiêu dùng mua nhiều tích trữ nhằm hạn chế phải ra ngoài nhiều lần. Nắm bắt nhu cầu này, Cơ sở kinh doanh hủ tiếu tươi Sáu Thạnh - một trong những sản phẩm OCOP của Vĩnh Long cho biết, thay vì mở rộng thị trường xuất khẩu, đơn vị đang tập trung nghiên cứu kéo dài thời hạn sử dụng sản phẩm đồng thời tăng cường sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung ra thị trường.
Tương tự, đại diện Công ty Cổ phần rau quả Bình Minh - cho biết, dịch bệnh khiến hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Do đó, đơn vị này đã chuyển các đơn hàng xuất khẩu sang tiêu thụ ở thị trường trong nước thông qua các hệ thống siêu thị và chợ tại địa phương, cũng như các tỉnh thành lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội….
Với Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ, Vĩnh Long), trước đây HTX chủ yếu xuất khẩu sản phẩm tươi sang châu Âu, Trung Quốc… giờ đây dịch bệnh bùng phát, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, HTX đã đầu tư thêm cơ sở để sơ chế, bảo quản, chế biến mứt chôm chôm nhằm kéo dài thời gian sử dụng và gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Cùng với sự chuyển hướng trong hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp cũng đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm thông qua kênh thương mại điện tử. Ông Trần Văn Lâm - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông Phát Food - chia sẻ, do dịch bệnh, người dân hạn chế ra đường, đến mua trực tiếp tại cửa hàng nên nắm bắt nhu cầu này, doanh nghiệp đã đẩy mạnh kênh bán hàng online. Theo đó, các sản phẩm, thông tin sản phẩm mới liên tục được cập nhật trên website của công ty, để người tiêu dùng dễ dàng xem và lựa chọn.
“Mặc dù việc chuyển từ kinh doanh ofline sang online có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để tiếp cận khách hàng trong phạm vi rộng và xa hơn”, ông Lâm đánh giá.
Theo Sở Công Thương Vĩnh Long, nhờ sự chủ động tích cực của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi phương thức kinh doanh nên trong quý I/2020 sản xuất kinh doanh của tỉnh Vĩnh Long vẫn giữ được mức tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ.
Sở Công Thương Vĩnh Long dự báo, trong quý II/2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… đang phải chống chọi với dịch bệnh, kéo theo nhiều hoạt động bị ngưng trệ. Do đó, Sở sẽ chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm; đồng thời theo dõi diễn biến thị trường để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.