Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ (bên trái) kiểm tra quá trình sản xuất kinh doanh tại Công ty CP Dệt may Huế |
Nhiều ngành nghề kinh doanh gặp khó
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 60 doanh nghiệp sản xuất, gia công ngành dệt may. Các doanh nghiệp này chủ yếu sử dụng nguyên phụ liệu và xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc nên bị ảnh hưởng đáng kể. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp nhập phụ liệu từ Trung Quốc lên đến 80-90% như Công ty CP dệt may Thiên An Phú, Thiên An Phát; Công ty CP dệt may Huế khoảng 30-50%, Công ty Scavi khoảng 40%... Theo nhận định, từ nay cho đến giữa tháng 3/2020 nếu không nhập được nguyên phụ liệu thì các doanh nghiệp dệt may sẽ gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất.
Bên cạnh ngành dệt may thì ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Theo Hiệp hội du lịch Thừa Thiên Huế, hiện nay nhóm doanh nghiệp ngành du lịch (chuỗi khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành…) ảnh hưởng nhiều nhất do bị hủy nhiều tour, tuyến du lịch cả quốc tế và nội địa. Theo số liệu thống kê, mặc dù du khách Châu Âu đến Thừa Thiên Huế vẫn tăng trưởng ổn định so với tháng 1/2020. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế từ Châu Á, ASEAN, Châu Úc đến với Thừa Thiên Huế thời gian qua giảm khá sâu, chỉ đạt 46,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, khách nội địa tiếp tục giảm, chỉ đạt 27%, công suất sử dụng phòng khách sạn bị sụt giảm đáng kể…
Ngoài ra, các hoạt động giao thông vận tải, dịch vụ của các hãng taxi, vận tải du lịch, hàng không cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Theo các hãng taxi, dịch bệnh COVID – 19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. So sánh với năm 2019, thời điểm này doanh thu giảm từ 25 - 30%. Đại diện hãng taxi cho biết, sau khi tình hình dịch COVID – 19 có dấu hiệu lan rộng đã ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng cuộc gọi, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ taxi giảm một cách rõ rệt, đặc biệt là sau khi có chỉ đạo tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc và giảm quy mô các lễ hội đã khai mạc; học sinh, sinh viên nghỉ thêm sau tết, người dân hạn chế di chuyển...
Hiện nay, các doanh nghiệp ngoài giảm doanh thu còn phải tăng chí phí phòng dịch như đầu tư kinh phí cho các biện pháp diệt khuẩn trong doanh nghiệp, hỗ trợ khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn cho người lao động, mua sắm thiết bị đo thân nhiệt, đầu tư chi phí y tế dự phòng cho khách hàng…
Bàn giải pháp ứng phó
Để hạn chế những thiệt hại do dịch bệnh COVID – 19 gây ra, vừa qua Hiệp hội doanh nghiệp Thừa Thiên Huế phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Giải pháp cho doanh nghiệp trước đại dịch COVID – 19” nhằm chia sẻ khó khăn, tìm hướng khắc phục, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Hiệp hội Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế bàn giải pháp hạn chế những thiệt hại trong lúc dịch COVID - 19 diễn ra |
Tại hội thảo, ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng tình hình dịch COVID-19 tương đối phức tạp. Bên cạnh những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt thì cũng đi liền với cơ hội, bài học để hoàn thiện hơn công tác quản trị doanh nghiệp
“Trong bối cảnh đó, hiện các doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, từ đó, tạo ra sức “đề kháng” cho doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp trước đây hô hào kết nối chia sẻ dùng chung sản phẩm nhưng chưa làm được thì nay đã “ngồi lại” với nhau tìm hướng “vượt khó”, kết nối cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển. Điều đáng mừng là cộng đồng doanh nghiệp Thừa Thiên Huế đang nhìn nhận những thách thức này dưới góc độ tương đối lạc quan và tích cực”, ông Định cho biết thêm.
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cho biết, các doanh nghiệp không nên quá hoang mang với tình hình dịch bệnh, trong thách thức luôn có cơ hội. Bởi vì, có một số doanh nghiệp không ảnh hưởng, hoặc có thêm điều kiện sản xuất kinh doanh trong thời gian ảnh hưởng dịch bệnh là các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế, dược phẩm sát khuẩn, khẩu trang, nước rứa tay, xà phòng, máy đo thân nhiệt; các doanh nghiệp sản xuất dược liệu, tinh dầu tràm và các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng thương mại điện tử, các hoạt động như giáo dục trực tuyến… Tuy nhiên, quan trọng nhất của doanh nghiệp bây giờ là làm sao để giảm tối đa các chi phí hiện tại của doanh nghiệp.
Ông Dương Tuấn Anh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiệt hại, đồng thời tạo điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh, Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu hỗ trợ các chính sách cho doanh nghiệp như giảm giá tham quan di tích cho du khách, xem xét việc miễn giảm lệ phí, thủ tục cho khách quốc tế...
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Đại Nội Huế |
“Tăng cường các biện pháp tẩy trùng, khử khuẩn ở các điểm tham quan du lịch, tuyên truyền sâu rộng các biện pháp an toàn để du khách thấy được các điểm đến của Huế hoàn toàn an toàn. Bởi vì trong lúc này, kinh tế du lịch của tỉnh phụ thuộc rất nhiều vào sự khẳng định các điểm đến có an toàn hay không”, ông Dương Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ và ngành Ngân hàng nhà nước nghiên cứu hỗ trợ các gói chính sách tín dụng, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ; có các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch; hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như giảm phí điện, nước...