Kiểm tra chuyên ngành kéo dài thời gian, gây thiệt hại cho DN xuất, nhập khẩu |
“Nóng” chuyện hoàn thuế
Chia sẻ tại hội nghị đối thoại với Bộ Tài chính mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng cho rằng, chính sách thuế khoán hiện nay còn chưa thực sự công bằng, có những đơn vị doanh thu lớn nhưng lại nộp thuế khoán ít khiến cho các hộ kinh doanh không muốn đăng ký lên DN. Bên cạnh đó, hoạt động bán hàng không xuất hóa đơn còn phổ biến, không chỉ các hộ kinh doanh mà ngay cả các DN vừa và nhỏ có doanh số hàng trăm triệu đồng/ngày cũng bán hàng không có hóa đơn. Điều này không chỉ làm thất thu ngân sách mà còn tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng, việc thực hiện hoàn thuế vẫn còn nhiều bất cập, có trường hợp DN tại Sóc Trăng thuộc diện hoàn trước, kiểm tra sau nhưng lại bị chuyển sang kiểm tra trước, hoàn sau và không được hoàn khiến DN thiệt hại trên 40 tỷ đồng hoàn thuế. Hiện, mới chỉ có quy định phạt DN chậm nộp thuế mà chưa có quy định xử lý cơ quan thuế chậm trễ khi thực hiện hoàn thuế cho DN.
Theo ông Đinh Công Khương - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH thép Khương Mai (TP. Hồ Chí Minh) - cơ quan thuế còn chậm hoàn thuế cho DN, trường hợp đặc biệt, có hồ sơ 5 năm vẫn chưa được giải quyết hoàn thuế. “Công ty tôi thành lập 16 năm, doanh thu một năm trung bình khoảng 500 tỷ đồng. Chưa có năm nào chúng tôi không nộp thuế, nhưng việc hoàn thuế cho DN lại khá khó khăn và trầy trật”, ông Khương bức xúc.
Từ thực trạng đó, Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng yêu cầu: Cần có quy định xử lý cơ quan, cán bộ chậm hoàn thuế theo quy định cho DN. Các DN kiến nghị, nên xem xét lại thủ tục hoàn thuế để DN sớm nhận được số tiền thuế đã đóng theo quy định, có nguồn vốn để xoay vòng.
DN vẫn gặp khó về kiểm tra chuyên ngành
Ông Vương Nhật Bình - Tổng giám đốc Công ty TNHH Cơ điện lạnh và Thương mại Hòa Bình (Thương hiệu Alaska) - cho biết: DN này chuyên nhập khẩu sản phẩm máy nước nóng lạnh, áp mã trên 5 năm qua và đã không nhận được bất kỳ phản ánh nào của cơ quan hải quan địa phương hay Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, ngày 11/7 vừa qua, sau khi Cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) kiểm tra công ty về các hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc khai báo - nhập khẩu mặt hàng này trong vòng 5 năm qua, đã phạt DN do vi phạm, áp sai mã hàng, tiến hành truy thu thuế, truy thu khoản nộp chậm và phạt hành chính với tổng số tiền gần 3,6 tỷ đồng. Điều này khiến DN gặp rất nhiều khó khăn.
Tương tự, Công ty Kim Xuân (Cần Thơ) cho rằng, đối với DN được miễn thuế nhập khẩu nguyên, phụ liệu sản xuất hàng xuất khẩu nhưng lại phải chịu thuế chống bán phá giá là không hợp lý.
Còn theo Tổng công ty May Nhà Bè, hiện nay, thời gian kiểm tra chuyên ngành còn kéo dài, thậm chí cơ quan hải quan còn cấp C/O sai, áp thuế không được ưu đãi sai cho DN… gây mất thời gian, tiền bạc của DN.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Bộ Tài chính ghi nhận những ý kiến đóng góp của DN và sẽ chỉ đạo các bộ phận nghiên cứu chính sách quản lý, hoàn thiện chính sách thuế ngày càng công bằng, minh bạch, đơn giản, dễ thực hiện; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa đối với ngành thuế, hải quan. |