Đầu tư nâng cao năng lực lãnh đạo, đòn bẩy cho doanh nghiệp vươn xa Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội nâng cao tiếp cận vốn |
Hơn 17,9 nghìn doanh nghiệp/tháng rút khỏi thị trường
Báo cáo của Tổng Cục thống kê, tính chung 7 tháng năm 2024, cả nước có 139,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có hơn 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lên tới 125,5 nghìn, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có hơn 17,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Riêng trong tháng 7/2024, cả nước có 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 6,3% so với tháng 6/2024 và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; hơn 6,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhưng cũng có 7.035 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 30,2% so với tháng trước và tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước.
7 tháng năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới ở Bắc Ninh đạt 2.244 doanh nghiệp |
Ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh, đăng ký doanh nghiệp là một điểm sáng trong tháng 7/2024 khi mà địa phương này có 400 doanh nghiệp được thành lập, với tổng số vốn đăng ký bổ sung 3.561 tỷ đồng, tăng 133,9% so với tháng trước và tăng 19,4% cùng kỳ năm trước, song cũng có 119 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 91,9% so với tháng trước; 44 doanh nghiệp giải thể.
Tính chung 7 tháng năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới ở Bắc Ninh đạt 2.244 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 27.546 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 11% về số doanh nghiệp và tăng 31,5% về tổng vốn đăng ký bổ sung. Quay trở lại hoạt động có 672 doanh nghiệp tăng 7,2%; ngược lại có 278 doanh nghiệp giải thể, tăng 44% và có đến 1.425 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tăng 15,4% so với cùng kỳ.
Như vậy, số doanh nghiệp gia nhập thị trường ở Bắc Ninh 7 tháng qua là 2.916 doanh nghiệp, tăng 10,1% nhưng số rút lui khỏi thị trường cũng lên tới 1.703 doanh nghiệp, tăng 19,3% so với cùng kỳ.
Giới chuyên gia nhận định, trong khi tăng trưởng có xu hướng phục hồi thì số lượng doanh nghiệp rút lui lớn cho thấy tình hình sản xuất - kinh doanh của không ít doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp nhỏ trong nước làm vendor cho các chuỗi sản xuất dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ đã suy giảm xuất khẩu lớn trong năm 2023 nên buộc phải thu hẹp sản xuất.
Hơn thế, xu hướng kinh doanh qua mạng online, trả cửa hàng, trả trụ sở để kinh doanh trên nền tảng trực tuyến không cần phải đăng ký chính thức khiến nhu cầu mở doanh nghiệp không còn cao.
Cần hỗ trợ “sức khỏe” cho doanh nghiệp
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR): Những yếu tố trên cho thấy doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi cần những giải pháp căn cơ hơn để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, ít nhất là đến hết năm 2024, thậm chí có thể sang năm 2025 khi tình hình có dấu hiệu tốt hơn.
Cùng quan điểm với TS. Nguyễn Quốc Việt, nhiều ý kiến bày tỏ, để đạt mục tiêu tăng trưởng của kịch bản cao trong năm 2024, nền kinh tế không thể thiếu vắng động lực tăng trưởng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, không thể thiếu vắng sự hưng phấn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Do đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn để duy trì sự phục hồi bền vững; trong đó, chú trọng giảm áp lực về lãi suất vốn vay, thủ tục hành chính…
Bên cạnh đó, tự thân doanh nghiệp trong nước cũng phải không ngừng đầu tư công nghệ, quy mô, đổi mới phương thức kinh doanh để có đủ năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nước ngoài; đẩy mạnh khai thác hoàn thiện các dịch vụ gia tăng của chuỗi cung ứng; chú trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của giao dịch thương mại quốc tế.
Từ góc độ địa phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh ông Nguyễn Phương Bắc nhận định: Thời gian qua, Bắc Ninh đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh liên tục có các cuộc trao đổi, gặp gỡ với doanh nghiệp trong nước và quốc tế để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư cũng như trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ khó khăn; tổ chức hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đấu giá quyền sử dụng đất; yêu cầu các sở, ngành, địa phương nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp…
Tuy nhiên, mức tăng trưởng GRDP còn khiêm tốn, số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động ở mức cao tương đương số lượng doanh nghiệp thành lập mới… cũng là vấn đề Bắc Ninh tiếp tục cần có giải pháp tháo gỡ.
Để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc địa phương, doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Hàng loạt vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp tiếp tục được đề cập. |