Bên cạnh đó, 5 tháng đầu năm, cả nước có gần 22,6 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động lên 78,3 nghìn DN. Đánh giá về kết quả trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT) - cho rằng: Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động của các DN.
Tuy vậy, 5 tháng, cả nước có 31,8 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3%; 20 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7% và 8 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Điều đó cho thấy, DN vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, thời gian qua, Chính phủ và bộ, ngành, trung ương, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng DN. Cụ thể, Chính phủ đã có gói hỗ trợ DN lần 1 và đang nghiên cứu đến gói hỗ trợ lần 2. Ngoài ra, những giải pháp đã được tiến hành từ các ngân hàng, giảm lãi suất cho vay; Bộ Tài chính hoãn, giãn thuế; Bộ Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm…
Tuy nhiên, theo ông Lê Đăng Doanh, để các chính sách hỗ trợ DN tới đây được hiệu quả hơn, cần phân loại khó khăn của từng đối tượng DN để có cách hỗ trợ phù hợp. bởi các DN hiện nay rất đa dạng và những khó khăn họ gặp phải không giống nhau, nên một chính sách khó mà có thể áp dụng cho tất cả các DN đạt hiệu quả.
Muốn có nhiều chính sách cho đa dạng đối tượng DN, các bộ, ngành, địa phương phải cùng bàn bạc và tìm ra phương án hỗ trợ cụ thể, phù hợp cho từng DN. |