Tại Diễn đàn Doanh nghiệp kết nối vì mục tiêu phát triển bền vững ngành chế biến gỗ diễn ra ngày 14/4, các doanh nghiệp (DN) trong ngành đã cùng chia sẻ, thảo luận những nguyên nhân hạn chế còn tại tồn tại và đưa ra hướng giải pháp để ngành chế biến gỗ phát triển bền vững.
Liên kết giữa DN trong ngành còn hạn chế
Ông Điền Quang Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 - cho biết, vấn đề phát triển bền vững ngành gỗ liên kết không còn xa lạ nhưng vẫn là câu hỏi khó cho nhiều DN. Một chuỗi của ngành chế biến gỗ là nguyên liệu, sản xuất và thị trường. Có những DN đạt đỉnh cao trong kinh doanh nhưng vẫn phá sản khi không có sự phát triển bền vững. Do đó, việc liên kết giữa các DN sẽ quyết định sự sống còn của ngành trong tương lai.
Về vấn đề này, ông Võ Quang Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavico) - cho hay, để liên kết thành công các DN phải có cùng chí hướng và phù hợp vì mục tiêu chung.
Để bền vững, các DN liên kết phải ngồi lại với nhau để tìm hướng tháo gỡ, tránh sự mâu thuẫn lợi ích với nhau. Và Hiệp hội phải nâng cao vai trò hơn trong việc trở thành trung gian nắm bắt được yêu cầu, năng lực của DN… để tìm ra sự tương đồng hoặc sự tương hỗ nhằm giúp đôi bên cùng có lợi. Vì nếu việc liên kết nội bộ ngành không làm tốt sẽ không có sự cộng hưởng, không cạnh tranh được với DN nước ngoài.
Đề xuất hướng liên kết, ông Điền Quang Hiệp cho rằng ngành chế biến gỗ cần gấp rút hình thành cụm công nghiệp chế biến gỗ để giúp các DN trong ngành có cơ hội chia sẻ thông tin, tận dụng nguồn lực sẵn có và đơn hàng với nhau. Bởi với tình hình mỗi DN nằm mỗi nơi như hiện nay thì rất khó kết nối làm việc với nhau.
Tăng cường các chuỗi liên kết giá trị
Ngoài việc thảo luận về hình thành các cụm công nghiệp chế biến gỗ, nhiều ý kiến cho rằng, để ngành chế biến phát triển bền vững, mấu chốt của thành công là phải liên kết để tạo thành chuỗi giá trị từ nguyên liệu, sản xuất, chế biến và tiếp cận thị trường. Các DN cần liên kết với nhau và tạo lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với các hộ trồng rừng để có nguyên liệu ổn định và giảm rủi ro.
Liên quan đến liên kết hộ trồng rừng, Ông Nguyễn Quang Vinh, đại diện Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) - cho biết, phát triển trồng rừng có ý nghĩa hết sức quan trọng với ngành chế biến gỗ và dăm xuất khẩu của Việt Nam. Xu hướng thị trường cho thấy nhu cầu sử dụng gỗ trồng rừng, đặc biệt là để sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ngày càng lớn. Điều này có nghĩa là nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng ngày càng được ưa chuộng và là một trong những nguồn cung quan trọng của ngành gỗ.
Để duy trì nguồn nguyên liệu hợp pháp, mô hình liên kết giữa các công ty gỗ và các hộ gia đình trồng rừng đã đuợc hình thành và đang trên đà phát triển. Liên kết này dựa vào niềm tin rằng các nguồn lực của các bên tham gia liên kết sẽ được tối đa hóa. Cụ thể, công ty chế biến gỗ có tiềm lực về vốn đầu tư, kỹ thuật và công nghệ, trình độ quản lý và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm; các hộ dân có nguồn đất rừng và lao động.
Tại Việt Nam, hiện nay mô hình liên kết phát triển rừng trồng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) là một mô hình điển hình giữa công ty chế biến gỗ và các hộ trồng rừng miền núi. Trong liên kết này, các công ty chuyên chế biến sản phẩm gỗ cho Tập đoàn IKEA như Công ty CP XNK Gỗ Nam Định (NAFOCO), Công ty Woodsland đã liên kết với các hộ có nguồn rừng trồng tại các tỉnh như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Trị nhằm phát triển rừng trồng gỗ lớn, đạt chứng chỉ FSC nhằm tạo nguồn cung gỗ nguyên liệu cho các công ty này để sản xuất sản phẩm cho Tập đoàn IKEA (gọi tắt là liên kết IKEA).
Theo ông Quang, IKEA có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, hiện các sản phẩm gỗ của IKEA tại Việt Nam được cung cấp bởi trên 10 nhà cung cấp/công ty chế biến gỗ. Chỉ có những DN chế biến quy mô lớn, có nguồn nguyên liệu tốt mới có thể đáp ứng được các yêu cầu của IKEA.
Tham gia thảo luận tại diễn đàn, nhiều ý kiến khác cũng cho biết, các DN phải chủ động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều này, các DN cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các hiệp hội trong cơ chế, chính sách, đơn giản thủ tục hành chính và tiếp cận thị trường.