Đứng thứ 2/139 quốc gia, vùng lãnh thổ
Với 2.866 dự án còn hiệu lực, có tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới trên 67,5 tỷ USD, Singapore là quốc gia đứng thứ 2/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sau Hàn Quốc). Quy mô dự án bình quân của Singapore là trên 23,5 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam là trên 12,1 triệu USD/dự án.
Tập đoàn Sembcorp Industries (Singapore) đã triển khai 11 dự án Khu công nghiệp VSIP tại 7 địa phương của Việt Nam |
Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 706 dự án, có số vốn đăng ký là 25,58 tỷ USD, chiếm gần 38% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam; đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản với 190 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 18 tỷ USD, chiếm 26,7%; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất điện với 42 dự án với hơn 11,8 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 17,5%. Còn lại là những ngành khác.
3 “siêu dự án” đầu tư của Singapore tại Việt Nam, bao gồm: Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, cấp phép vào năm 2020, với tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD; Dự án Công ty TNHH phát triển Nam Hội An (khu nghỉ dưỡng Nam Hội An), cấp phép năm 2010, tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD tại tỉnh Quảng Nam; Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II, cấp phép năm 2021 với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,12 tỷ USD.
Theo địa bàn đầu tư, Singapore hiện đã có đầu tư tại 51/63 tỉnh thành phố của Việt Nam, trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu về vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam với 1.493 dự án, tổng vốn đầu tư là 11,8 tỷ USD, chiếm 17,5% tổng vốn đầu tư của quốc gia này tại Việt Nam; đứng thứ hai là Hà Nội với 460 dự án, tổng vốn đầu tư trên 7,87 tỷ USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là Bình Dương với 275 dự án, tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD, chiếm 8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các tỉnh Bắc Ninh, Long An, Quảng Nam...
3 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc nhập cảnh của nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng đầu tư của Singapore tại Việt Nam vẫn đạt kết quả rất khả quan. Cụ thể, Singapore đã vào Việt Nam với 40 dự án mới, 18 dự án tăng vốn và 80 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký 2,28 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022.
Doanh nghiệp Singapore đầu tư 2.866 dự án tại Việt Nam |
Tiềm năng vẫn rất lớn
Đứng thứ 2 trong tổng số 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam (sau Hàn Quốc), song cơ hội để Việt Nam thu hút được dòng vốn FDI từ Singapore vẫn rất lớn, nhất là khi hai nước đã ra mắt Hội đồng doanh nghiệp Singapore - Việt Nam vào tháng 7/2019, đây là diễn đàn cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước thắt chặt hợp tác. Qua đó, tăng cường xúc tiến, trao đổi các đoàn doanh nghiệp hai nước thông qua các hội chợ, hội thảo, hội nghị chuyên đề.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore hồi tháng 2/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiếp một số tập đoàn hàng đầu của Singapore trong các lĩnh vực năng lượng, phát triển đô thị, bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp, như: Tập đoàn Sembcorp Industries, Tập đoàn Kappel, Tập đoàn Surbana Jurong City Global… đây đều là những tập đoàn đã có dự án đầu tư tại Việt Nam. Đại diện các tập đoàn này đều đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam, đồng thời cho biết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đó, vào tháng 3/2022, Tập đoàn Sembcorp Industries đã triển khai dự án Khu công nghiệp VSIP III tại tỉnh Bình Dương, dự án có tổng diện tích 1.000 ha, tổng vốn đầu tư 6.400 tỷ đồng. Nâng tổng số dự án KCN mà tập đoàn này đã thực hiện tại 7 tỉnh, thành Việt Nam lên tới con số 11.
Tiềm năng thu hút FDI từ Singapore rất lớn, tuy nhiên, để tạo sức hấp dẫn với dòng vốn FDI từ quốc gia này, Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh hợp tác song phương chặt chẽ với Singapore trong xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau về chính sách, môi trường đầu tư của hai bên để đẩy nhanh dòng vốn đầu tư vào Việt Nam và ngược lại.
Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cần tập trung hỗ trợ các dự án đầu tư của Singapore đã được cấp giấy phép đầu tư, hoặc đang trong quá trình đàm phán, chuẩn bị đầu tư bằng cách giải quyết sớm các vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư hoạt động và triển khai dự án.
Cần khuyến khích, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực vốn là thế mạnh của Singapore như: Phát triển hạ tầng, logistics, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, điện tử, bán dẫn, giáo dục, y tế, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp Singapore với doanh nghiệp trong nước cũng như tham gia đối tác chiến lược tại các tập đoàn tư nhân.
Hiện Việt Nam đã thu hút được trên 34.700 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 420 tỷ USD đến từ 139 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó những đối tác FDI lớn của Việt Nam là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản. |