Bà Lê Bích Loan - Phó Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Hiện khu công nghệ cao (KCNC) đã có 58 doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ hoàn thành chuẩn bị cho phương án 3 tại chỗ như: Samsung, Intel, Nicdec, Sanofi, Samyoung... Các DN cũng xoay sở bằng mọi cách để đảm bảo sản xuất và phòng chống dịch với rất nhiều khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp đã bố trí xong chỗ ăn, ở cho công nhân |
Theo bà Loan, các DN cũng phải chấp nhận việc giảm quy mô, phát sinh thêm nhiều chi phí và việc tìm các chuỗi cung cấp dịch vụ cũng không phải là vấn đề đơn giản. “TP. Hồ Chí Minh là trung tâm sản xuất công nghệ cao nên thành phố đã và sẽ dành mọi nguồn lực cho các DN trong các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX- KCN), KCNC để các DN ổn định, duy trì sản xuất như tiêm vắc xin cho người lao động, các chính sách thủ tục đầu tư thông thoáng, ưu đãi miễn giảm thuế cho DN...”, bà Loan chia sẻ.
Về phía DN, bà Hồ Thị Thu Uyên - Giám đốc đối ngoại của Intel Products Việt Nam (KCNC TP. Hồ Chí Minh) - cho biết, do nhà máy sản xuất không đáp ứng được phương án 3 tại chỗ nên công ty đã cho công nhân ở tại các khách sạn và sẽ có những tổ tự quản giám sát chéo nhau để chắc chắn rằng người lao động tuân theo các yêu cầu về giãn cách của chính quyền thành phố.
Hoàn thiện lắp đặt chỗ ở cho công nhân tại một doanh nghiệp để đảm bảo phương án 3 tại chỗ |
Trong khi đó, tại KCN Tây Bắc Củ Chi, Công ty Unilever Việt Nam hiện đã chuẩn bị sắp xếp chỗ ở, ăn uống, sinh hoạt đầy đủ cho khoảng 700 công nhân ăn, ngủ tại chỗ nhằm tiếp tục duy trì sản xuất. Phương án này đã được công ty bắt đầu thực hiện từ ngày 14/7.
Tương tự, đối với các DN trong ngành lương thực, thực phẩm thiết yếu, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) - cho biết, mặc dù thời gian chỉ đạo của thành phố về việc chỉ cho phép các DN đáp ứng các điều kiện về phòng chống dịch Covid-19 được tiếp tục hoạt động rất cấp bách (thông báo khẩn của thành phố phát đi ngày 13/7 và áp dụng từ ngày 15/7) nhưng đến nay các DN thành viên của Hội cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của thành phố và đủ điều kiện để tiếp tục duy trì hoạt động.
Đơn cử Công ty Vissan, theo ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Vissan, kể từ ngày 28/6/2021 doanh nghiệp này đã tổ chức cắm trại tập trung làm việc đảm bảo tại công ty cho 100% số lượng lao động khoảng 1.500 người. Và dự kiến quá trình cắm trại tập trung thực hiện 3 tại chỗ này sẽ kéo dài cho đến khi tình hình dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh được kiểm soát. Do đó Vissan khẳng định cung ứng đầy đủ nhu cầu thị trường.
Tương tự, các trang trại của Công ty CP Chăn nuôi C.P đã kích hoạt toàn bộ hệ thống đảm bảo 3 tại chỗ và đều quy định các cá nhân mỗi khu không được trao đổi qua lại. Sản lượng cung ứng thịt heo tươi sống cho TP. Hồ Chí Minh bình quân 350 con đến 400 con/ngày, trong những ngày vừa qua đã tăng lên 600 con/ngày. Công ty đảm bảo cung cấp đầy đủ và giữ bình ổn giá được 6 tháng do có chủ động về chăn nuôi.
Ở nhóm mặt hàng thịt và trứng gia cầm, bà Chi cho biết, các DN thành viên cũng khẳng định đều đã kích hoạt hoàn toàn hệ thống và đảm bảo nguồn cung rất dồi dào, phong phú, giá bán tiếp tục giữ bình ổn. Trong đó hầu hết các nhà máy đã chuẩn bị đầy đủ các phương án cho lao động làm việc tại chỗ nên sản lượng cung ứng cho TP. Hồ Chí Minh luôn đảm bảo dồi dào, không thiếu và giá thịt gia cầm các loại như gà, vịt sẽ tiếp tục ổn định giá. Tuy nhiên bà Chi cho hay, chủng loại sẽ không đa dạng như ngày thường.
Đối với mặt hàng lương thực như gạo, các DN đã duy trì lượng tồn kho lớn, sản lượng gạo dự trữ đảm bảo đủ cung ứng đến cuối năm nên dễ dàng trong việc sắp xếp, bố trí nhân sự, cơ bản đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động và giữ giá bán theo mức hiện tại.
Đối với nguyên liệu chính là bột mì dùng cho sản xuất mì ăn liền, bánh các loại,… nguồn dự trữ đảm bảo cung ứng trong 3 tháng tới và DN đã chuẩn bị đầy đủ các phương án bố trí ăn ở cho người lao động, nên đảm bảo cung ứng đầy đủ và dù giá nhập khẩu hiện nay đã tăng đến 30% nhưng DN tạm thời vẫn giữ nguyên giá cũ.
Ở nhóm hàng gia vị và nước chấm, tới nay hầu hết các DN đều đã chuẩn bị đầy đủ các phương án bố trí chỗ ăn ở cho người lao động và sẵn sàng kích hoạt để đảm bảo tiếp tục hoạt động sản xuất.
Đối với nhóm mì ăn liền: Công ty TNHH Meizan CLV cũng đã bố trí cho công nhân ở lại xưởng (KCN Hiệp Phước, Nhà Bè) để đảm bảo hoạt động sản xuất mì, nui không bị đứt gãy. Trong khi đó, Công ty CP Acecook Việt Nam đã nỗ lực chuẩn bị phương án bố trí cho công nhân ở tại chỗ, tăng trợ cấp để khuyến khích công nhân ở lại, nhưng hiện số lượng công nhân nhà máy tại thành phố đăng ký chỉ đạt không đến 50%. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp nguyên liệu cho Acecook hiện nay cũng gặp những khó khăn tương tự, nên nguy cơ sẽ giảm năng suất sản xuất, cung ứng nguyên liệu và theo đó sản lượng của Acecook dự kiến sẽ giảm hơn 50%.
Tại Long An, UBND tỉnh này cũng ban hành Công văn số 6619/UBND-VHXH về việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động sản xuất tại các DN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các công ty, DN đã ghi nhận các trường hợp F0, F1 tạm ngưng hoạt động ngay để tập trung thực hiện công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly và khắc phục những tồn tại hạn chế theo quy định. Với các công ty, DN đã xây dựng và thực hiện tổ chức sản xuất phương châm “3 tại chỗ - sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ” thì tiếp tục hoạt động bình thường. Các công ty, DN còn lại (chưa thực hiện tổ chức sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ”) thì chậm nhất đến 00 giờ ngày 13/7 phải xây dựng và thực hiện tổ chức sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ”. Đồng thời, cũng từ 00 giờ ngày 13/7, công ty, DN nào không thực hiện tổ chức sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” thì phải tạm ngưng hoạt động cho đến khi có phương án tổ chức sản xuất đảm bảo phương châm “3 tại chỗ” hoặc cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Thực hiện chủ trương này, nhiều DN trên địa bàn đã xoay sở để kịp thời đáp ứng duy trì sản xuất. Ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc Công TNHH Dương Vũ - cho biết: Ngay khi nhận được công văn của UBND tỉnh, công ty đã mua lều bạt để dựng trại cho công nhân ở lại nhà máy. Cùng với đó Dương Vũ cũng sắp xếp lại sản xuất bằng cách tinh gọn đội ngũ làm việc để dễ dàng sắp xếp chỗ ở cho công nhân. “Hiện nay các đơn hàng của chúng tôi vẫn phải chạy đều do đó buộc lòng DN phải đáp ứng tiêu chí 3 tại chỗ để duy trì hoạt động”, ông Hòa chia sẻ. |
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).