Khó khăn đến với các DN phân bón vào năm 2015 khi Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, theo đó, quy định phân bón đang thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%, được xếp vào mặt hàng không chịu thuế GTGT.
Sửa đổi Luật số 71 giúp doanh nghiệp phân bón ổn định sản xuất |
Suốt 6 năm qua, Luật số 71/2014/QH13 khiến DN sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn do không được khấu trừ thuế GTGT, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu (NK) cùng loại.
Trước tình hình trên, ngày 13/4/2020, Bộ Công Thương đã có Công văn số 2593/BCT-HC gửi Bộ Tài chính về việc điều chỉnh, sửa đổi quy định tại Luật số 71 đối với sản xuất phân bón. Bộ Công Thương có ý kiến cụ thể: Phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT đã gây nhiều ảnh hưởng đến các DN sản xuất phân bón trong nước, có nghĩa là DN sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc NK để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.
"Trên cơ sở đó, toàn bộ chi phí phát sinh được các DN tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản xuất phân bón. Ước tính, khi thực hiện Luật số 71, giá thành phân đạm tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%; phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6,1%" - Công văn Bộ Công Thương nêu rõ.
Bộ Công Thương nhận định, tăng chi phí sản xuất sẽ giảm sức cạnh tranh của phân bón trong nước với phân bón NK. Người nông dân sẽ phải mua phân bón với giá cao hơn do phải chịu cộng thuế GTGT đầu vào.
Thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, lợi nhuận sau thuế (LNST) từ 10 đơn vị của ngành phân bón trong nước có xu hướng giảm mạnh. Năm 2015, LNST của các đơn vị là 1.792 tỷ đồng, nhưng đến năm 2019 giảm còn 1.161 tỷ đồng (tương đương mức giảm 35% so với năm 2015). Theo kế hoạch sản xuất công bố của các đơn vị thì LNST của 10 đơn vị năm 2020 chỉ còn 620 tỷ đồng (tương đương mức giảm 65% so với năm 2015).
"Cú huých" pháp lý
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam - đề xuất với các bộ, ngành kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, sớm đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT từ 0% đến 5%, đây là điều hết sức cấp thiết đối với các đơn vị trong ngành. Mức đề xuất thuế GTGT 5% là phù hợp nhất, bởi với mức này nhà nước có thể thu đủ thuế và công bằng lợi ích cho tất cả các bên.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 182/TTr-BTC về Dự án Nghị quyết của Quốc hội sửa thuế suất GTGT đối với phân bón theo hướng từ mặt hàng không chịu thuế sang mặt hàng có chịu thuế.
Theo đó, để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần tăng sức cạnh tranh của mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế GTGT để hỗ trợ, phát triển DN sản xuất phân bón.
Việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% áp dụng ở tất cả các khâu: NK, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng, do đó tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón NK cùng loại.
Nhiều chuyên gia đánh giá hiệu quả từ lợi ích mà nhà nước thu được từ việc áp dụng mức thuế xuất NK, thuế tự vệ và không áp thuế GTGT phân bón so với thiệt hại của DN đang phải chịu cho thấy, ngân sách nhà nước sẽ được lợi hơn nhiều thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón.
Việc sửa đổi Luật số 71, đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT từ 0% đến 5% thông qua được kỳ vọng sẽ giảm bớt khó khăn cho các đơn vị sản xuất kinh doanh trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành; giảm lượng phân bón NK từ nước ngoài vào thị trường nội địa. |