Quảng Ninh tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trong công tác phòng cháy chữa cháy Quảng Ninh: Hàng loạt cơ sở bị đình chỉ do vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy |
Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Cụ thể, một số ý kiến phản ánh rằng mặc dù Nghị định 136/2020/NĐ-CP không áp dụng hồi tố, tuy nhiên một số doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải làm lại các thủ tục, như lập lại phương án chữa cháy hoặc xin thẩm duyệt lại thiết kế phòng cháy chữa cháy nếu có lắp đặt thêm hạng mục hoặc chỉ có cải tạo nhỏ… hoặc phải thay thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn mới. Việc này đã gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định thi hành Luật Phòng cháy chữa cháy |
Cụ thể hơn, Điều 38 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về việc kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy là việc đánh giá, xác nhận sự phù hợp của phương tiên với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc các yêu cầu bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tương ứng. Về bản chất, đây là hoạt động đánh giá sự phù hợp được quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá. Hiện nay, hầu hết các lĩnh vực khác đều đã tiến hành xã hội hoá hoạt động đánh giá sự phù hợp.
Theo đó, cơ quan nhà nước uỷ quyền hoặc chỉ định một số tổ chức có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ kiểm định. Các tổ chức này nhận thù lao để tiến hành kiểm định cho chủ hàng theo quy trình và quy chuẩn kỹ thuật mà cơ quan nhà nước đề ra, sau đó cấp chứng thư kiểm định và/hoặc dán tem kiểm định. Hàng hoá đã được kiểm định và xác nhận phù hợp với quy định được lưu thông ngay trên thị trường mà không cần xin phép cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước chỉ tiến hành hậu kiểm để bảo đảm rằng các tổ chức kiểm định được cấp phép thực hiện đúng quy định. Đây là cách quản lý tiên tiến và đã được áp dụng ở hầu hết các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, Điều 38 Nghị định 136/2020/NĐ-CP vẫn quy định thẩm quyền kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy thuộc về cơ quan Công an (dù là Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hay Công an tỉnh). Điều 38.11.c Nghị định 136/2020/NĐ-CP cũng cho phép các tổ chức tư vấn kiểm định có quyền tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thử nghiệm, đánh giá chất lượng theo các thông số kỹ thuật của phương tiện. Mặc dù vậy kết quả này chỉ có ý nghĩa là cơ sở để cơ quan công an xem xét, cấp giấy chứng nhận kiểm định, chứ kết quả này chưa được coi là căn cứ để hàng hoá được lưu thông.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép các tổ chức kiểm định cấp giấy chứng nhận kiểm định và dán tem kiểm định với phương tiện phòng cháy và chữa cháy. Cơ quan nhà nước chỉ làm công tác hậu kiểm chứ không đảm nhận việc cấp phép tiền kiểm.
Hay như Điều 13.3.b Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định các dự án, công trình khi cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy thì phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, phạm vi quy định tương đối rộng do chỉ cần một thay đổi nhỏ liên quan đến việc cải tạo cũng có thể phải xin thẩm duyệt thiết kế. Do vậy, để đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng việc cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng có ảnh hưởng lớn đến yêu cầu an toàn phòng cháy, chữa cháy mới cần thực hiện thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy.