Xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại
Ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, qua đánh giá thực trạng việc thực thi Luật Quản lý thuế và qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thấy rằng việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, với các lý do: Để hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập; tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử công khai, minh bạch.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Quốc hội |
“Xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) hoàn chỉnh, toàn diện nhằm mục đích tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cho cơ quan quản lý thuế thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế; quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế theo quy định pháp luật, tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) bao gồm 17 chương, 152 điều. Trong đó, về nội dung quản lý thuế được kế thừa các quy định hiện hành, nhưng tại dự thảo luật có bổ sung các nội dung: Không thu thuế; khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp; quản lý hoá đơn, chứng từ; tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Việc bổ sung quy định về khoanh nợ thuế là cần thiết nhằm phản ánh số nợ thực tế.
Dự thảo luật cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan như Chính phủ; các Bộ, cơ quan ngang Bộ; hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp theo hướng chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến quản lý thuế, không nhắc lại nhiệm vụ quyền hạn đã được quy định tại các văn bản pháp luật liên quan. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý ngành và địa phương trong quản lý thuế; Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế, có nhiệm vụ, quyền hạn quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 15 dự thảo luật. Các Bộ, ngành có liên quan được xây dựng theo hướng phối hợp thực hiện quản lý thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành.
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã quy định cơ quan kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước thực hiện kiểm toán, thanh tra các hoạt động có liên quan đến cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, pháp luật về thanh tra, quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, quy định việc đăng ký thuế bao gồm: đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin, đăng ký tạm ngừng kinh doanh, đăng ký khôi phục tạm ngừng kinh doanh...; đồng thời quy định để phân biệt rõ hai nhóm đối tượng đăng ký thuế gồm: Người nộp thuế là các cơ sở kinh doanh đăng ký thuế cùng với đăng ký kinh doanh theo cơ chế một cửa liên thông; đối với các trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế cùng với đăng ký kinh doanh theo cơ chế một cửa liên thông, không tổ chức hoạt động kinh doanh, nhưng có phát sinh nghĩa vụ thuế thì đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế.
Ngoài ra, dự thảo luật bổ sung quy định khai thuế, tính thuế trong trường hợp hạch toán toàn ngành, giao dịch liên kết theo hướng vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước về phân cấp ngân sách, đảm bảo nguyên tắc quản lý thuế. Hơn nữa, Dự thảo đã quy định cụ thể về hồ sơ hoàn thuế; các trường hợp hoàn thuế; tiếp nhận phản hồi thông tin hồ sơ hoàn thuế, và thẩm quyền quyết định hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế. Trong đó, quy định rõ về thẩm quyền hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo chính sách và hoàn thuế nộp thừa.
Bổ sung quy định về khoanh nợ, xóa nợ thuế
Một điểm đáng chú ý, dự thảo luật đã bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế. “Quy định này là phù hợp với thực tế, khi mà nợ trên phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn trong khi nợ này là nợ ảo, không có khả năng thu hồi. Đồng thời, quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; quy định thời điểm không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ” -Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Nếu như Luật quản lý thuế hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ xoá nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên; tuy nhiên để cải cách thủ tục hành chính, dự thảo luật quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ từ 5 tỷ đồng trở lên; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng. Bổ sung quy định phân cấp cho Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng Cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 1 tỷ đồng.
Về áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, dự thảo luật đã quy định rõ các doanh nghiệp phải sử dụng hoá đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hoá, và cung cấp dịch vụ để khắc phục những gian lận trong việc sử dụng hoá đơn giấy, nâng cao tính cạnh trạnh của toàn nền kinh tế, để góp phần ứng dụng quản lý thuế hiện đại, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoá đơn để góp phần xây dựng cơ quan thuế điện tử.
Nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế, dự thảo luật cũng đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại theo hướng: Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp.
Mặt khác, để tăng cường hiệu quả của công tác cưỡng chế thu nợ, dự thảo luật sửa đổi theo hướng cơ quan quản lý thuế được áp dụng biện pháp cưỡng chế một cách phù hợp (không áp dụng tuần tự) trên cơ sở đánh giá đầy đủ thông tin, điều kiện để xác định biện pháp cưỡng chế nào có hiệu quả. Dự thảo luật cũng quy định rõ nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, các trường hợp xử phạt, các trường hợp không bị xử phạt và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi) trình Quốc hội khoá XIV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (Kỳ họp thứ hai năm 2018) và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (Kỳ họp thứ nhất năm 2019). Để có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Luật hiệu quả (nhất là ứng dụng công nghệ thông tin), Chính phủ trình Quốc hội quyết định về hiệu lực thi hành của Luật Quản lý thuế (sửa đổi) từ ngày 01/7/2020. |