Ông Nguyễn Như Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách HNX cho biết: Những năm gần đây, HNX đã nỗ lực thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, cải thiện và nâng cao tính minh bạch với mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng, của thị trường chứng khoán nói chung, thông qua tổ chức các hội thảo về quản trị công ty, phát hành các ấn phẩm đào tạo về quản trị công ty, tổ chức các chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin, chất lượng quản trị công ty... Qua đó, HNX kỳ vọng nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư về quản trị công ty, phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Viết Thịnh - Giám đốc “Viện thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam”, cho biết: Thực tiễn về lập “báo cáo phát triển bền vững” của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam (về mặt kỹ thuật) năm 2018 cho thấy, chất lượng báo cáo phát triển bền vững ngày càng tốt lên và đã bắt đầu gắn kết các hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm cần phải khắc phục, như báo cáo không có thông tin được lượng hóa, chưa gắn kết rõ ràng chiến lược phát triển bền vững với chiến lược kinh doanh; chưa có các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể về phát triển bền vững. Theo ông Nguyễn Viết Thịnh, các doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động công bố thông tin của công ty, nhất là các thông tin phi tài chính như báo cáo về môi trường và xã hội, cần có sự tham gia tích cực của HĐQT và gắn phát triển bền vững với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như kết nối với SDG ở cấp độ sâu, rộng lớn hơn.
Ông Nguyễn Công Minh Bảo - Giám đốc GRI Việt Nam, cho biết: Chuẩn công bố thông tin bền vững gồm 3 tiêu chuẩn tổng thể, áp dụng cho tất cả các tổ chức, 33 tiêu chuẩn theo từng chủ đề, được tổ chức theo nhóm “kinh tế - môi trường - xã hội”, trong đó các tổ chức (doanh nghiệp) mới lựa chọn và chỉ sử dụng các tiêu chuẩn cụ thể về chủ đề, dựa trên chủ đề trọng yếu của họ.
Ông John Bruce Wells - Cố vấn cấp cao về phát triển bền vững, Trưởng dự án "Giảm thiểu khí thải tại Việt Nam" của Deloitte (Mỹ), khuyến nghị: Lợi ích kinh doanh sẽ mang lại cho doanh nghiệp từ việc công bố thông tin về phát triển bền vững phù hợp. Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan cả nội bộ và bên ngoài doanh nghiệp như tổ chức xây dựng niềm tin, phát triển tầm nhìn chiến lược, cải thiện quy trình và hệ thống, nâng cao cạnh tranh, uy tín, lợi nhuận...
Ngoài việc định hướng nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, tăng cường năng lực quản trị cho các doanh nghiệp, các diễn giả tham luận tại hội thảo cũng đã đưa ra một số khuyến nghị với quan quản lý trong việc hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về quản trị công ty theo các thông lệ quốc tế tốt phù hợp với Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao nhận thức về phát triển bền vững.
Ông Hoàng Đức Hùng - Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết: Sau 3 năm vận hành Chỉ số phát triển bền vững (VNSI) trên thị trường chứng khoán, rổ chỉ số VNSI đang được các nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài chú ý. Các mã cổ phiếu trong rổ VNSI luôn có sức hấp dẫn cao với các quỹ đầu tư nước ngoài theo nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm trên các khía cạnh quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn quản lý rủi ro môi trường và xã hội... Tuy nhiên, khoảng cách giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp vẫn còn khá xa do cơ chế chia sẻ thông tin và nâng cao nhận thức về giá trị của VNSI vẫn còn hạn chế. Cơ quan quản lý Nhà nước cần quan tâm đến vấn đề này, nhất là về cơ chế, chính sách.
Tiến sĩ Trần Thị Thanh Tú - Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Đại học kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến nghị: Nhà nước cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng lộ trình triển khai, phát triển đầu tư xanh ở Việt Nam cũng như sử dụng các công cụ tài chính để thúc đẩy đầu tư xanh ở Việt Nam, qua đó nâng cao nhận thức về quản trị của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp trên sàn chứng khoán nói riêng hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.