Doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài chưa đạt kỳ vọng
Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về tình hình hoạt động, tài chính và sử dụng vốn của DNNN năm 2020. Theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2020, 28 DNNN, DN có vốn nhà nước (không bao gồm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước) đã thực hiện 131 dự án đầu tư ra nước ngoài, với số vốn đầu tư khoảng 129,9 triệu USD. Nguồn vốn này chủ yếu được bơm vào các công ty con của các đơn vị: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel).
Tính đến cuối năm 2020, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đã giải ngân của DN nhà nước, DN có vốn nhà nước mới chỉ đạt khoảng 50% tổng vốn đăng ký |
Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2020, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đã giải ngân của DN nhà nước, DN có vốn nhà nước khoảng 6,71 tỷ USD, tương đương khoảng 50% tổng vốn đăng ký.
Trong đó, PVN có số vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, khoảng 3,97 tỷ USD, chiếm 59% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tiếp theo là các tập đoàn Viettel đầu tư ra nước ngoài khoảng 1,45 tỷ USD, VRG đầu tư ra nước ngoài 925,8 triệu USD. Tổng số vốn đã đầu tư ra nước ngoài của 3 doanh nghiệp này chiếm 95% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của khối DNNN, DN có vốn nhà nước.
Các lĩnh vực được rót vốn chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí, viễn thông, trồng, chế biến cây cao su, khai thác khoáng sản, nông nghiệp, xây lắp, thương mại, vận tải hàng không…
Cũng theo báo cáo, vốn đầu tư ra nước ngoài được "trải" tại 26 quốc gia, Campuchia (41 dự án), Lào (32 dự án), Malaysia (9 dự án), Singapore (8 dự án), Nga và Myanmar mỗi quốc gia 5 dự án, Peru (4 dự án)... Xét về tổng vốn đầu tư thực hiện lũy kế đến ngày 31/12/2020, Campuchia đứng đầu đạt hơn 1 tỷ USD, tiếp đó là Peru, Malaysia, Nga…
Về tình hình thu hồi vốn đầu tư ra nước ngoài, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, gần một nửa (57/131) dự án đầu tư ra nước ngoài của 13/28 DN đã phát sinh thu hồi vốn đầu tư, với số vốn đã thu hồi hơn 3,167 tỷ USD (gồm lợi nhuận chuyển về nước là 1,458 tỷ USD), bằng 47% tổng số vốn đã đầu tư ra nước ngoài. Trong đó PVN thu hồi gần 2,4 tỷ USD (60% vốn đầu tư thực hiện), Viettel là 706,29 triệu USD (49% vốn ban đầu).
Riêng năm 2020, 32 dự án đầu tư ra nước ngoài không phát sinh doanh thu, 89 dự án đạt hơn 5,54 tỷ USD doanh thu (giảm 21% so với 2019). 28 dự án bị lỗ, gần 237 triệu USD (tăng 81 triệu USD so với năm 2019).
61 dự án có lợi nhuận, với tổng lãi sau thuế gần 427 triệu USD, giảm 25%. Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam gần 118,8 triệu USD, giảm 42% so với 2019.
Như vậy, đến cuối năm 2020, có 46 dự án còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 1.171,06 triệu USD (giảm 1 dự án và tăng 120 triệu USD so với năm 2019).
Từ thực tế đầu tư, Chính phủ thừa nhận, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DNNN và DN có vốn nhà nước chưa đạt được như kỳ vọng đầu tư. Về nguyên nhân, theo Chính phủ, ngoài các vấn đề về năng lực quản lý, quản trị rủi ro, năng lực dự báo thị trường, kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài, thì các chính sách đầu tư nước sở tại và đặc biệt là tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng khiến cho tình hình hoạt động của các dự án bị ảnh hưởng tiêu cực hơn so với năm 2019.
Do ảnh hưởng của Covid-19, kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án tại nước ngoài bị tác động lớn, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm so với năm 2019. Lợi nhuận chuyển về nước năm 2020 chỉ bằng 30% so với 2019. Chỉ có 4 dự án thu hồi được vốn đầu tư trong năm 2020 so với năm 2019, trong đó 96% vốn đầu tư thu hồi là của các dự án khai thác dầu khí của PVN, các dự án viễn thông của Viettel.
Nhiều dự án tiếp tục khó khăn, tiềm ẩn rủi ro và chưa có hiệu quả đầu tư. Trong số này phải kể tới các dự án khai thác, thăm dò dầu khí phải dừng, giãn tiến độ hoặc thực hiện thủ tục kết thúc; một số dự án trồng, chế biến cao suvẫn trong giai đoạn đầu tư hoặc mới đưa vào khai thác đang lỗ kế hoạch, tiềm ẩn rủi ro.
Ngoài ra, một số dự án viễn thông lỗ luỹ kế lớn hoặc mất quyền kiểm soát, gặp rủi ro tỷ giá.
Một số dự án không hiệu quả thuộc các lĩnh vực khác vẫn đang hoạt động hoặc dừng triển khai như dự án khai thác muối mỏ Kali tại Lào; dự án thành lập Hãng hàng không quốc gia Campuchia...