Thương hiệu Cam Vinh là niềm tự hào của Nghệ An |
Không riêng gì Nghệ An mà ở Việt Nam, trên 90% là DN nhỏ và vừa còn thiếu kinh nghiệm, nhận thức chưa đầy đủ về thương hiệu nên thiếu chiến lược đầu tư cho vấn đề này. Các DN mới chỉ quan tâm đến hình thức mà quên mất những giá trị nền tảng có tính bền vững của thương hiệu, đó là chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hiệu quả của quy trình sản xuất, kinh doanh. Điều này gây cản trở thương hiệu sản phẩm của DN ngay trên sân nhà, chứ chưa nói đến cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.
Nghệ An hiện có 811 đối tượng được bảo hộ với 636 nhãn hàng hóa, 53 kiểu dáng, 7 giải pháp hữu ích và 10 sáng chế. Hoạt động đăng ký bảo hộ quyền SHCN còn quá ít so với hoạt động kinh tế của tỉnh; tỷ lệ đơn đăng ký, cấp văn bằng bảo hộ quyền SHCN của tỉnh so với cả nước còn thấp, chỉ bằng 0,46%. Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Nghệ An đã phối hợp điều tra nhu cầu của DN về đăng ký bảo hộ quyền SHCN. Qua điều tra 427 DN, chỉ có 16,4% DN đã đăng ký nhãn hiệu, 4,9% DN đang tìm hiểu, 50,4% DN chưa đăng ký sản phẩm, dịch vụ; 11,7% DN chưa có nhu cầu, chưa quan tâm và chưa có ý định đăng ký…
Chia sẻ tại Hội thảo Xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp do VCCI tổ chức mới đây, bà Lê Thị Phương - Trưởng phòng Tin học - thống kê khoa học và công nghệ (Trung tâm Thông tin khoa học công nghệ và tin học Nghệ An) - cho rằng: DN Nghệ An chưa mặn mà với đăng ký nhãn hiệu hàng hoá do nhận thức còn hạn chế, chưa thực sự xem đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là công cụ để phát triển bền vững… “Nhiều DN còn thiếu thông tin về pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, đăng ký nhãn hiệu nói riêng. DN còn xem nhẹ vấn đề này vì chưa lường hết những khó khăn, bất cập mà DN có thể gặp phải trong quá trình kinh doanh khi không đăng ký quyền sở hữu, cũng như chưa hiểu rõ những quyền lợi mà DN sẽ được hưởng” - bà Phương nhấn mạnh.
Một số DN đã đề xuất VCCI Nghệ An và các cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ DN về thủ tục và các cơ chế, chính sách khi DN thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu hàng hóa; có giải pháp rút ngắn thời gian cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu để tạo thuận lợi cho DN, cũng như hỗ trợ DN đào tạo, tập huấn xây dựng quản trị và quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông và xây dựng website thương mại điện tử. Các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra chặt chẽ các vấn đề vi phạm bản quyền, hàng giả trên mọi lĩnh vực, tuyên truyền cho các DN nâng cao hiểu biết về các vấn đề sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu hàng hóa. Trong đó, chú trọng nhiều nội dung, cụ thể hỗ trợ DN, hiệp hội ngành hàng và địa phương nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm, ngành hàng, thương hiệu vùng miền, địa phương. Nhiệm vụ dài hạn là duy trì các hoạt động nâng cao nhận thức về thương hiệu, tăng cường năng lực kinh doanh và phát triển thương hiệu cho DN, bao gồm: Kỹ năng xây dựng và quản trị thương hiệu; quản lý chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ tài chính từ ngân sách, kết hợp huy động nguồn lực của các hiệp hội, cộng đồng DN, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế để được hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu.