Ông Võ Văn Đại - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Vạn Phần là người tham gia hoạt động kết nối cung - cầu nhiều nhất trong số các lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nghệ An cho rằng, do đặc thù doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nghệ An quy mô sản xuất chưa lớn, chủ yếu thuộc hộ gia đình và các mặt hàng còn mang nặng đặc trưng địa phương, phục vụ nội tỉnh hoặc nguồn hàng sản xuất ít, theo mùa nên chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu ở ngoại tỉnh.
Giám đốc một doanh nghiệp ở thành phố Vinh chuyên sản xuất tinh bột nghệ - ông Nguyễn Văn Sơn - chia sẻ: Mình sản xuất nhỏ và phụ thuộc theo mùa, nhiều lúc sản phẩm không đủ cho khách đã đặt hàng; với lại chi phí cho các hoạt động kết nối cung - cầu, hội chợ ngoại tỉnh cũng tốn kém... nên cũng chưa đẩy mạnh giới thiệu quảng bá đến các tỉnh, thành phố.
Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát (Con Cuông) với đa dạng các sản phẩm từ các cây dược liệu quý như: Dây thìa canh, cà gai leo, giảo cổ lam, đinh lăng, mướp đắng rừng... Sản phẩm được thực hiện trên dây chuyền hiện đại bằng máy tự động, với quy trình khép kín có đầy đủ thông tin mã vạch truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và được người tiêu dùng ưa chuộng, thế nhưng theo ông Phan Xuân Diện - giám đốc công ty, đường đi tìm kênh phân phối còn gian nan.
Các cơ sở sản xuất trên chỉ là con số nhỏ trong hàng nghìn nhà sản xuất đang loay hoay tìm kênh phân phối để đưa sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là vào hệ thống phân phối ngoại.
Theo nhiều ý kiến, để giải quyết bài toán cung - cầu hàng hóa, nhà nước cần nhanh chóng đầu tư mở rộng phát triển hệ thống phân phối, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại nội địa, tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển. Cơ quan quản lý cần đưa ra chính sách phù hợp, quy định chung về việc tăng mức chiết khấu hàng năm của nhà phân phối, đồng thời tạo cầu nối cho doanh nghiệp.