Doanh nghiệp ngành hoá chất: Giữ nhịp sản xuất, duy trì đà tăng trưởng Doanh nghiệp hóa chất Việt Nam lọt vào Top 20 nhà phân phối hoá chất lớn nhất toàn cầu |
Nhiều doanh nghiệp hoá chất, phân bón có lãi
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng giám đốc Vinachem cho biết, mặc dù có rất nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan, nhưng Tập đoàn Hoá chất Việt Nam và các đơn vị thành viên đã nỗ lực, cố gắng phấn đấu để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, 6 tháng đầu năm, ở nhóm công ty con, giá trị sản xuất theo giá thực tế 6 tháng đầu năm ước đạt 27.136 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh thu cộng hợp toàn tập đoàn 6 tháng đầu năm ước đạt 29.595 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 815 tỷ đồng. Trong đó: các đơn vị có lãi tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Công ty CP DAP-Vinachem bằng 46 lần, Công ty CP Phân bón Bình Điền bằng 5 lần, Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ bằng 4 lần, Công ty CP công nghiệp Cao su miền Nam bằng 2 lần...
Công ty CP DAP-Vinachem là một trong những đơn vị có lãi tăng so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh H.N |
Điển hình như, Công ty CP DAP – Vinachem, ông Vũ Văn Bằng - Tổng giám đốc bày tỏ, bước sang quý III/2024, Công ty sẽ phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh như: Sản lượng DAP sản xuất: 60.000 tấn; sản lượng DAP tiêu thụ: 60.000 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế: 763 tỷ đồng; tổng doanh thu thuần: 762 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt khoảng 25 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu này, một trong những kiến nghị Công ty CP DAP – Vinachem đưa ra là đề nghị Tập đoàn tiếp tục có ý kiến kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật thuế số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào danh mục các mặt hàng chịu thuế 5%.
Hay như Công ty CP Cao su Đà Nẵng - DRC, trong bối cảnh khó khăn chung, DRC đã chủ động nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều quy cách sản phẩm mới theo nhu cầu, thị hiếu đặc thù của từng đối tượng khách hàng và từng vùng thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, DRC đã sản xuất thành công lốp OTR công nghệ bbán thép cung cấp cho thị trường mỏ. Đây được xem là lợi thế cạnh tranh riêng có của DRC. DRC cũng thành công trong việc sản xuất và đưa ra thị trường bán thương mại dòng sản phẩm lốp ô tô radial toàn thép DSTAR cho xe tải và xe khách đường dài bằng công nghệ châu Âu được chuyển giao bởi Tập đoàn BDE.
Đặc biệt, công ty đã hoàn thành lắp đặt đa phần các thiết bị thuộc Dự án “Đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial nâng công suất lên 1 triệu lốp/năm”. Góp phần quan trọng giúp cho việc tăng sản lượng sớm hơn dự kiến, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lốp TBR tại thị trường nội địa và xuất khẩu trong thời gian tới.
Với kết quả trên, theo đó nửa đầu năm Vinachem đã đáp ứng cao nhất các sản phẩm như phân bón, hoá chất, hoá mỹ phẩm, chất tẩy rửa, săm lốp… phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của sản xuất, tiêu dùng trong nước và góp phần bình ổn, đáp ứng đủ nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp.
Tập trung giải pháp cho những tháng cuối năm
Trong năm 2024, ngành hóa chất vẫn còn đối diện với khó khăn thách thức, để giữ nhịp tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu năm 2024, Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị thành viên cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị cùng nhóm ngành sản xuất phân bón, cao-su, hóa chất. Đồng thời, tăng cường năng lực vận hành, bảo trì hệ thống thiết bị công nghệ bảo đảm sản xuất ổn định, phát huy tối đa công suất, tập trung nghiên cứu và áp dụng các biện pháp ổn định chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Tú cho biết, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phấn đấu và giải pháp trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2024 như sau: Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế 6 tháng cuối năm 2024 đạt 39.629 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2024 đạt 52.554 tỷ đồng, bằng kế hoạch năm; doanh thu 6 tháng cuối năm 2024 đạt 26.961 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2024 đạt 56.556 tỷ đồng, bằng 100,1% kế hoạch năm; lợi nhuận cộng hợp 6 tháng cuối năm 2024 đạt 1.095 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2024 đạt 1.911 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch khai thác, chế biến quặng apatit giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo đúng quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai đề án tái cơ cấu tài chính tại 3 dự án phân bón 3 Dự án: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2, sớm đưa các dự án ra khỏi danh sách yếu kém. Đẩy mạnh tái cơ cấu Sovigaz và Xà phòng Hà Nội.
Về phía Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp- ông Đỗ Hữu Huy- Phó Chủ tịch Uỷ ban ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch, bám đúng định hướng Thủ tướng, Chính phủ, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương trong việc triển khai khắc phục các khó khăn thách thức, nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh đặt ra. Các kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm tương đối khả quan.
Trong 6 tháng cuối năm, ông Đỗ Hữu Huy nhấn mạnh những nhiệm vụ Tập đoàn cần triển khai: Phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo toàn phát triển các nguồn lực nhà nước giao, đầu tư đảm bảo kết quả phát triển bền vững
Bên cạnh đó, sắp xếp lại công ty mẹ, đảm bảo cơ cấu lại tập đoàn hợp lý, phát huy vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp hoá chất; nghiên cứu đầu tư có hiệu quả một số sản phẩm hoá chất có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường…
Cần tập trung làm tốt công tác đầu tư, đặc biệt là các dự án nhóm B trong lĩnh vực săm lốp, hoá chất cơ bản; đẩy mạnh đầu tư, nắm bắt các cơ hội thị trường đối với các dự án đầu tư mới.
“Đối với các đơn vị thuộc Đề án 1468 (Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương) chủ động xây dựng phương án ổn định sản xuất; gắn sản xuất với thị trường để đảm bảo tồn kho hợp lý, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh. Đồng thời, tiếp tục xử lý các tồn đọng từ các dự án trước đây”- Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nêu giải pháp.