Sữa và các sản phẩm từ sữa có mức tiêu thụ tăng cao |
Duy trì tăng trưởng
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, trong quý II/2017, mức tăng trưởng của ngành hàng FMCG đã đạt 5,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ tăng trưởng sản lượng (5%). Mặc dù mức tăng trưởng của quý II giảm hơn so với quý I (8,8%) do nhu cầu tiêu dùng đã giảm sau mùa cao điểm đầu năm, thời điểm có Tết Nguyên đán. Tuy vậy, cả 6 ngành hàng lớn đều đạt mức tăng trưởng dương như ngành hàng thực phẩm, sữa và các sản phẩm từ sữa cùng đạt mức tăng 8,1%; sản phẩm chăm sóc nhà cửa đạt 5,7%; ngành hàng đồ uống đạt 5,4%; sản phẩm chăm sóc cá nhân đạt 5% và thuốc lá đạt 4,7%. Đặc biệt, ngành hàng nước uống có mức đóng góp cao nhất trong tổng doanh số quý II với 42%, tiếp sau là thực phẩm, thuốc lá và sữa đóng góp lần lượt khoảng 16%, 15% và 14%.
Vùng nông thôn đã được nhắc đến như là nguồn tăng trưởng mới cho nhiều nhà sản xuất khi tăng trưởng ngành hàng FMCG ở khu vực này liên tục ở mức cao và cao hơn khu vực thành thị. Cụ thể, trong khi khu vực thành thị chỉ đạt mức tăng 5,1% trong quý II thì khu vực nông thôn lại tăng đến 6,5%, chủ yếu là do tăng trưởng sản lượng. Sự tăng trưởng của khu vực nông thôn đã đóng góp 57,5% vào tổng doanh số của FMCG. Với hơn 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, cùng với mức thu nhập ngày càng tăng lên, điều kiện tiếp xúc với thị trường, hàng hóa thông qua mạng internet ngày càng nhiều, chính là cơ hội cho DN mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nắm bắt nhu cầu thị trường
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, không chỉ năm 2017 mà nhiều năm trở lại đây, ngành hàng tiêu dùng nhanh đã và đang có nhiều cơ hội phát triển khi tốc độ tăng trưởng chi tiêu thực của người dân giai đoạn 2011-2016 trong bán lẻ là 3%, hàng tiêu dùng là 6%, ngành thực phẩm và đồ uống 3%. Mức tăng trưởng cao, dân số đông, nhu cầu sử dụng sản phẩm chất lượng ngày càng cao khiến thị trường Việt Nam đang ngày càng trở nên màu mỡ với các nhà sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng nhanh nước ngoài, tạo áp lực cạnh tranh trực tiếp cho các DN Việt. Trong khi đó, các DN trong nước mới chú trọng đến thị trường thành thị, chưa tập trung cho thị trường tiềm năng ở nông thôn.
Để chiếm lĩnh tốt hơn ngành hàng này, theo các chuyên gia, các DN Việt cần tự nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực chế biến; chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng để có dòng sản phẩm cạnh tranh; đẩy mạnh đầu tư cho khu vực nông thôn...
Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh - cho rằng, DN Việt cần phải tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư, sử dụng nguồn hàng của nhau... nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp cho toàn ngành. Bên cạnh đó, tận dụng kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại như một công cụ quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, sau đó tấn công mạnh thị trường nông thôn bởi đây mới là mảnh đất màu mỡ cho ngành hàng FMCG thu lợi nhuận.
Nhằm hỗ trợ cho DN FMCG nâng cao năng lực cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; củng cố, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại thông qua các cơ chế chính sách.