Là một doanh nhân kiều bào Thái Lan, đã thực hiện 4 dự án đầu tư về Việt Nam theo hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực năng lượng gió tại các tỉnh Gia Lai, Quảng Trị với tổng vốn đầu tư lên tới 260 triệu USD, ông Trần Minh Tiến cho rằng, các chính sách của Chính phủ đưa ra trong thu hút đầu tư thì “rất ổn”, nhưng khi triển khai vào thực tế thì lại gặp rất nhiều vấn đề vướng mắc trong các quy định. Cụ thể là nhiệm vụ của các cơ quan, ban ngành có lúc chồng chéo, thiếu rõ ràng, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong thực hiện và triển khai dự án. Thậm chí, tình trạng nhũng nhiễu tại một số nơi vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
Dẫn chứng trường hợp của doanh nghiệp mình, ông Trần Minh Tiến cho hay, nhà máy điện gió 100MW của doanh nghiệp (DN) tại tỉnh Gia Lai đã xây dựng xong, nhưng vẫn chưa thể nghiệm thu được, bởi vì cho đến nay doanh nghiệp cũng không rõ chức năng nghiệm thu dự án này là của cấp địa phương, cấp sở hay cấp bộ phải làm việc này.
“Chúng tôi đã đi đề nghị giải đáp vấn đề này cả 2 tháng, nhưng đến nay vẫn chưa xong” – ông Trần Minh Tiến nhấn mạnh và cho rằng, chính những bất cập trên đã làm mất thời gian, chi phí và hiệu quả hoạt động của DN tại Việt Nam.
Chính sách dễ thay đổi gây khó khăn cho doanh nghiệp |
Cũng gặp phải khó khăn khi hoạt động tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hoàng - doanh nhân kiều bào Australia – cho biết, đã đầu tư về Việt Nam khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành vào năm 1987. Tuy nhiên, có một vấn đề bất cập đó là có một dự án đầu tư từ hơn 10 năm trước tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thời điểm DN đầu tư, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cấp đất với mức giá và điều kiện đầu tư rõ ràng, DN đã đồng ý và triển khai dự án đầu tư, nhưng 10 năm sau thì thanh tra làm việc với địa phương và yêu cầu truy thu và tăng tiền thuê với lý do giá đó quá thấp.
“Chúng tôi đã đi theo khiếu nại gần 4 năm trời, dự án bị kẹt vì không triển khai được nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tôi mong muốn, Chính phủ sẽ không có những chính sách hồi tố với các dự án đầu tư, gây khó khăn cho DN” - ông Nguyễn Thanh Hoàng thông tin.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn với rất nhiều lợi thế về dân số đông, thị trường lao động dồi dào, chính trị ổn định và cơ hội tăng trưởng kinh tế ở mức cao, tuy vậy, việc thiếu tính ổn định, thiếu nhất quán trong xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách thu hút đầu tư đang ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam thời gian qua và gây cản trở trong thu hút đầu tư trong giai đoạn tới.
Liên quan đến vấn đề này, ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa kỳ (AmCham) tại Hà Nội cho rằng, đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm đã khiến các DN Hoa Kỳ nói riêng và cộng đồng DN nói chung gặp phải thách thức về hoạt động, chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với các DN Hoa Kỳ tại Việt Nam lại chính là sự thay đổi thường xuyên trong các quy định được công bố và thực hiện trong thời gian ngắn.
“Nhiều DN của chúng tôi vẫn lo ngại về những thay đổi trong chính sách và quy định không còn phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt nhất, tệ quan liêu phi sản xuất phải được kiểm soát và khuôn khổ pháp lý của quốc gia phải ổn định và có thể dự đoán được” - ông Adam Sitkoff bày tỏ.
Bên cạnh đó, việc cho phép nhập cảnh vào Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức do các thủ tục giấy tờ phức tạp và rườm ra, cũng như khó khăn trong việc xin giấy phép lao động do các yêu cầu bất hợp lý được quy định trong Nghị định số 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Ông Adam Sitkoff kiến nghị, các thủ tục cần hợp lý, dễ dự đoán hơn cho các giám đốc điều hành, các nhà đầu tư mới và các nhóm hỗ trợ kỹ thuật, các chuyên gia để duy trì hoạt động và tạo điều kiện mở rộng đầu tư.
Doanh nghiệp kiến nghị xây dựng chính sách thu hút đầu tư mang tính ổn định, minh bạch |
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), bà Đặng Tuyết Vinh cũng đánh giá, môi trường đầu tư Việt Nam những năm gần đây được cải thiện tích cực, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề nổi lên, được coi như “điểm nghẽn” đáng kể trong việc phát huy tối đa tiềm năng và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, đó là những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, nhân lực và môi trường kinh doanh liên quan đến thể chế và thủ tục hành chính. Theo đó, EuroCham khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính dễ dự báo và bền vững hơn.
Với doanh nhân Nguyễn Thanh Hoàng, ông cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, đồng thời xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, ổn định, các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam tới đây cần xây dựng theo hướng minh bạch, rõ ràng và dứt khoát, tạo sự ổn định cho DN yên tâm đầu tư.
“Khi nhà đầu tư gặp vấn đề cần tháo gỡ, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc ngay để có những chính sách nhanh chóng, cụ thể, nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư” - ông Nguyễn Thanh Hoàng nhấn mạnh.
Rõ ràng nhà đầu tư đang rất mong đợi một môi trường pháp lý công bằng, minh bạch hơn và có thể dự đoán, hợp lý hóa và coi trọng sự đổi mới. Điều này sẽ không chỉ giúp thu hút đầu tư mới mà còn duy trì và phát triển các dự án đầu tư đã có ở Việt Nam. Tuy nhiên, để xây dựng được những chính sách thu hút đầu tư an toàn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong quá trình xây dựng chính sách, Chính phủ và các cơ quan chức năng nên tham vấn ý kiến của nhiều bộ, ngành, hiệp hội và cộng đồng DN, nhằm tạo sự đồng thuận trong xây dựng chính sách.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi chính sách, cần đảm bảo có sự phối hợp tốt hơn ở tất cả các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương. Tránh hiện tượng mỗi địa phương thực hiện một kiểu, gây khó cho nhà đầu tư trong triển khai dự án.
Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa kỳ (AmCham) tại Hà Nội: Thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam chính là sự thay đổi thường xuyên trong các quy định được công bố và thực hiện trong thời gian ngắn. |