Siết chặt quản lý mã số vùng trồng Bến Tre chuẩn bị lô hàng bưởi da xanh đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ |
Chia sẻ tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 với chủ đề 'Tăng cường giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam' diễn ra sáng ngày 8/6, ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT))- thông tin, hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 6 loại quả gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa. Hai bên đang trong quá trình đàm phán bước cuối mở cửa xuất khẩu mặt hàng trái bưởi da xanh thông qua ghi nhận ý kiến về nhu cầu người tiêu dùng tại Hoa Kỳ.
Bưởi da xanh Việt Nam được phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ |
Liên quan đến mở cửa thị trường trái bưởi tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty Vina T&T- chia sẻ, không phải khi nào chúng ta mở cửa thị trường thì mới làm mã số vùng trồng mà cần phải chuẩn bị từ trước đó.
Như đối với trái bưởi xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ đã đi tới giai đoạn cuối, tuy nhiên, doanh nghiệp đi tìm vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng để liên kết xuất khẩu bưởi sang thị trường Hoa Kỳ cực kỳ khó khăn, dễ trùng lặp, vướng mắc với các đơn vị, doanh nghiệp khác.
“Tôi về địa phương để liên kết vùng trồng, chỗ này thì vướng vùng trồng của công ty phân bón này, chỗ kia vướng vùng trồng của doanh nghiệp khác… Là doanh nghiệp xuất khẩu trái cây chủ lực sang thị trường Hoa Kỳ, đến thời điểm này chúng tôi tìm mã số vùng trồng xuất khẩu bưởi cũng chưa xong. Chúng tôi cũng không biết sắp tới mở cửa thị trường và những đơn hàng đã ký kết thì sẽ phải làm sao để xuất khẩu và cung cấp cho thị trường”, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết.
Bên cạnh đó, việc cấp chứng nhận mã số vùng trồng theo từng năm sẽ khó khăn cho doanh nghiệp khi phải liên tục xin cấp lại chứng nhận, điều này vô hình chung sẽ làm cho công tác xuất khẩu, bàn giao đơn hàng cho đối tác quốc tế bị chậm trễ.
Ngoài ra, một doanh nghiệp không thể tự mình đi tới tất cả các địa phương để làm mã số vùng trồng. Do đó, các địa phương nên chủ động xây dựng những vùng trồng được cấp mã số, khi những doanh nghiệp có nhu cầu, đăng ký, địa phương cung cấp, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (NN&PTNT) - cho biết, sản lượng cây ăn quả chính phía Nam năm 2022 ước đạt hơn 7,3 triệu tấn. Trong đó, 6 tháng đầu năm ước đạt 3,3 triệu tấn, 6 tháng cuối năm ước đạt 4,1 triệu tấn.
Về quản lý mã số vùng trồng, hiện nay, đã có 4.000 mã số vùng trồng (300.000 ha), tại 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cho 12 loại quả tươi như: chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu, măng cụt, chanh leo,…
Về mã số cơ sở đóng gói, cấp 1.864 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… trên 37 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tùng, việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói hiện nay vẫn đang gặp những khó khăn như: Mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn như lúa, chè, hồ tiêu, cà phê,... Vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam. “Thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt việc kiểm soát đối với sản phẩm nhập khẩu, trong đó có tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói”, ông Lê Thanh Tùng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - cũng cho rằng, không dừng ở quản lý mã số vùng trồng mà còn quản trị mã số vùng trồng. Chỉ một đơn vị làm giả mã số vùng trồng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của toàn ngành.
Theo các chuyên gia, không chỉ Hoa Kỳ, các nước hiện nay rất quan trọng vùng trồng và nghiêm ngặt tiêu chuẩn sản xuất. Trường hợp nếu bị phát hiện có sai phạm sẽ bị trả về lập tức. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần hết sức quan tâm về xây dựng mã số vùng trồng.
Việc liên kết với nông dân, hợp tác xã xây dựng mã vùng trồng cũng là câu chuyện “sống - còn” của doanh nghiệp trong thời gian tới và không còn cách nào khác hơn trước bối cảnh hầu hết các nước đều xây dựng hàng rào kỹ thuật bằng các tiêu chuẩn chất lượng, trong đó tiêu chuẩn đầu tiên là thực hành nông nghiệp tốt và có mã vùng trồng rõ ràng.
Do đó, doanh nghiệp cần cố gắng hết sức để xây dựng niềm tin, tạo mối gắn kết chặt chẽ, bền vững với chuỗi bưởi. Để đáp ứng yêu cầu về sản lượng ổn định, doanh nghiệp quan tâm kết nối, xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn, nắm chắc sản lượng cung ứng từng thời điểm của mỗi vùng trồng.
Cùng với sự vào cuộc của doanh nghiệp, vai trò của địa phương cũng như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh trong việc làm đầu mối gắn kết nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp xuất khẩu bưởi da xanh trên địa bàn để thực hiện, hướng dẫn việc cấp mã vùng trồng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp không chỉ xuất khẩu sang Hoa Kỳ và kể cả các nước EU, Trung Quốc.
Mới đây, Bộ NN&PTNT nhận được thông báo từ các cơ quan chức năng Hoa Kỳ về việc hoàn thành thẩm định các thủ tục và chính thức cho phép nhập khẩu quả bưởi da xanh từ Việt Nam. Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, nhiều địa phương trọng điểm trồng bưởi da xanh của đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể trở thành vùng nguyên liệu chuẩn cả về số lượng và chất lượng. |