Nhiều thách thức phòng vệ thương mại 'bủa vây' ngành thép nhôm Việt Gia tăng kim ngạch xuất khẩu: Đẩy mạnh nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp |
Nguy cơ lớn hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại
Trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) cũng như việc Anh đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hàng Việt đang có cơ hội lớn chinh phục thị trường này. Thị trường Anh khá lớn (khoảng 68 triệu dân), trong đó cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người với nhu cầu tiêu dùng đa dạng... đang mở rộng cơ hội xuất khẩu đối với hàng hoá Việt Nam.
Bà Hoàng Lê Hằng – Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Anh (kiêm nhiệm Ailen) - cho biết, hiện doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng như: Cao su, dây điện và dây cáp điện; điện thoại và linh kiện các loại, cà phê, bánh kẹo ngũ cốc, gốm sứ, rau quả thực phẩm, gạo, giày da, may mặc, hải sản, đồ gỗ, sản phẩm thép...
Thép một trong những mặt hàng đối diện nhiều nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Anh cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, bà Hoàng Lê Hằng chỉ rõ, thị trường Anh có yêu cầu chất lượng sản phẩm cao, giá cạnh tranh. Cùng với đó, xu hướng sản phẩm cho người ăn kiêng phổ biến hơn như: ăn chay thuần (vegan), kiêng gluten (người dị ứng gluten), kiêng đường, kiêng muối… khiến cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản cần chuyên biệt và phức tạp hơn. Luật về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm như gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương, da.
Đặc biệt, do Hiệp định UKVFTA đều có mức độ cắt giảm thuế quan sâu, kéo theo đó là áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp cũng sẽ cao hơn và khi đó, nhu cầu sử dụng công cụ phòng vệ thương mại cũng sẽ tăng cao để bảo vệ ngành sản xuất mỗi nước. Điều này sẽ khiến cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đối diện nguy cơ, rủi ro lớn trong quá trình tiếp cận thị trường tiềm năng này.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường – nguyên tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh, với sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, một số sản phẩm của Việt Nam có nguy cơ cao bị điều tra chống bán phá giá tại Anh, đặc biệt là thép và nhôm ép, gạch men, dệt may. Trong đó, với tình trạng dư thừa thép toàn cầu, thép Việt Nam xuất khẩu sang Anh có nguy cơ cao bị điều tra bán phá giá. Nhôm và nhôm ép cũng là một lĩnh vực có nguy cơ bị điều tra, đặc biệt khi nhôm từ các quốc gia khác đã từng bị nhắm tới bởi các cuộc điều tra tương tự tại Anh.
Gạch men và sản phẩm gốm sứ nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá là khá thấp, trừ khi có các yếu tố đặc biệt làm gia tăng áp lực cạnh tranh từ nhập khẩu. Ngành dệt may Việt Nam tuy có sự tăng trưởng xuất khẩu sang Anh, nhưng do quy mô nhỏ và không có tầm quan trọng đáng kể đối với nền kinh tế Anh, nguy cơ bị điều tra bán phá giá là hạn chế. Tuy nhiên, ngành này có thể chỉ bị điều tra nếu có những yếu tố bất thường, như tăng đột biến về nhập khẩu với giá rất cạnh tranh.
Theo sát biến động chính sách của thị trường
Sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh đã xây dựng cơ chế phòng vệ thương mại riêng, nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài. Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, chính sách phòng vệ thương mại của Anh tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh quốc tế.
Đối với Việt Nam, mặc dù xuất khẩu sang Anh đang tăng trưởng, ông Nguyễn Cảnh Cường khuyến cáo, các doanh nghiệp cần thận trọng trong việc quản lý giá cả và hợp tác chặt chẽ với các đối tác để tránh các biện pháp điều tra bán phá giá từ phía Vương quốc Anh, đặc biệt là trong các ngành chiến lược như thép và nhôm. Các ngành như gạch men và dệt may có nguy cơ thấp hơn, nhưng cũng cần giám sát chặt chẽ để đảm bảo không bị tác động bất ngờ từ các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, trước nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá tại Anh, các doanh nghiệp của Việt Nam cần chủ động điều chỉnh chiến lược xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro. Cụ thể, cần theo dõi sát sao thị trường, thông qua việc cập nhật liên tục về các biến động trong chính sách thương mại của Anh và thực hiện các biện pháp để đảm bảo hàng hóa của mình không bị coi là bán phá giá.
Đồng thời, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, việc đảm bảo tuân thủ quy định quốc tế là hết sức quan trọng. Doanh nghiệp cần đảm bảo rằng giá cả và chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và quy định của Anh, tránh những cáo buộc không đáng có. Cùng với đó, tăng cường hợp tác với các đối tác thương mại tại Anh để hiểu rõ hơn về thị trường và cùng tìm cách giảm thiểu nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại. Duy trì mức giá cạnh tranh công bằng và minh bạch, tránh tình trạng bán phá giá gây thiệt hại cho ngành công nghiệp của nước nhập khẩu.
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị, phòng vệ thương mại từ thị trường nhập khẩu như Vương quốc Anh là một khó khăn rất lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Vì vậy, để ứng phó với các vụ việc điều tra nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ các biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần theo dõi các cảnh báo từ Bộ Công Thương và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh xuất khẩu phù hợp, giảm tác động tiêu cực khi bị áp dụng biện pháp; cũng như liên kết với các doanh nghiệp có cùng mặt hàng xuất khẩu để có chương trình, kế hoạch đối phó chung với các vụ kiện có thể xảy ra.
Chính sách phòng vệ thương mại của Vương quốc Anh tập trung vào ba biện pháp chính: Chống bán phá giá được áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu vào Anh có giá bán thấp hơn giá trị thông thường, làm tổn hại cho các ngành công nghiệp trong nước. Chống trợ cấp áp dụng nhằm chống lại các khoản trợ cấp của chính phủ nước ngoài, gây ra sự cạnh tranh không công bằng. Biện pháp tự vệ: Được sử dụng khi có sự gia tăng đột ngột về nhập khẩu có khả năng gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước. Cục Phòng vệ Thương mại (TRA) của Anh hiện chịu trách nhiệm điều tra các khiếu nại và đưa ra quyết định liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại. Các biện pháp này nhằm chống lại các hành vi bán phá giá, trợ cấp không công bằng và sự gia tăng đột ngột về nhập khẩu, từ đó bảo vệ các doanh nghiệp nội địa. |