Các doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo |
Tại Hội thảo lấy ý kiến DN nghị định về kinh doanh khí do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 22/3, nhiều DN bày tỏ sự phấn khởi, đồng tình khi nhà quản lý đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của DN trước hàng loạt khó khăn, rào cản mà các quy định tại Nghị định 19 gây ra cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngành khí gas.
Được biết, kể từ khi Nghị định 19 ra đời, không ít DN đã buộc phải tuyên bố phá sản vì không thể đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định. Theo chia sẻ của chủ một DN gas đến từ Khánh Hòa, Nghị định 19 yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh gas phải có 100.000 vỏ bình cùng với bồn chứa 300m3. Để đáp ứng được những điều kiện mà Nghị định đưa ra, DN này đã phải chạy vạy, vay mượn số tiền lên đến nhiều tỷ đồng. Rõ ràng đây là quy định gây áp lực lớn cho DN.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Đông Tùng (Hà Giang) - cho hay, số lượng các DN nhỏ và vừa đang phải chịu tác động của Nghị định 19 về kinh doanh khí không phải con số nhỏ. “Tính từ thời điểm Nghị định này ra đời, không một cuộc hội thảo góp ý kiến nào mà cộng đồng DN chúng tôi không có mặt. Nhưng lần trước chúng tôi có 43 DN tham gia hội thảo để góp ý về Nghị định này thì đến hôm nay (khoảng 6 tháng – PV) chỉ còn 30 DN có thể tham dự. Nếu Nghị định 19 vẫn hiện hành, tôi nghĩ sẽ chẳng còn mấy DN có thể tham dự những hội thảo tương tự nữa” – ông Tùng chia sẻ. Ông cũng cho biết, cộng đồng DN rất vui khi Bộ Công Thương đã lắng nghe nguyện vọng của DN và tiếp thu ý kiến, đề xuất lên Chính phủ bãi bỏ hàng loạt các quy định bất hợp lý ở Nghị định 19. “Dù vẫn còn khá nhiều điểm chưa thật sự gỡ rối cho DN, song Dự thảo Nghị định mới cũng giúp DN dễ thở hơn, trong đó có việc bãi bỏ các quy định về quy mô, số lượng vỏ bình” – ông Tùng nói.
Ghi nhận thực tế từ hoạt động của các DN, ông Trần Trọng Hữu - Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam - cho rằng, các quy định hiện hành về kinh doanh khí còn tồn tại sự chồng chéo liên quan tới các quy định về điều kiện kinh doanh, an toàn phòng chống cháy nổ… gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho DN cũng như các lực lượng quản lý thị trường. Chính vì thế, đang có tình trạng “loạn” thị trường kinh doanh khí gas, gian lận thương mại, vi phạm về sở hữu tài sản (vỏ bình gas)… Đó là còn chưa kể thực trạng nhiều tổ chức, cá nhân còn lợi dụng kẽ hở để chiếm dụng hay thu giữ tài sản của các doanh nghiệp khác đang kinh doanh gas gây bất bình đẳng trong cạnh tranh trên thị trường. Song, ông Trần Trọng Hữu cũng nêu quan điểm, việc thay đổi chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng, bởi chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm đã phải sửa đổi và điều chỉnh các quy định hiện hành về kinh doanh khí sẽ có thể gây khó cho doanh nghiệp. “Doanh nghiệp rất cần những chính sách ổn định để yên tâm làm ăn” - ông Hữu phân tích.
Nhiều DN nhỏ và vừa bày tỏ sự đồng tình với các đề xuất sửa đổi Nghị định 19 của Bộ Công Thương, song những DN quy mô lớn lại có ý kiến trái chiều. Theo ông Nguyễn Minh Châu - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dầu khí EPIC (Nghệ An) - việc bãi bỏ quy định về điều kiện thương nhân kinh doanh khí phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp và sở hữu trạm cấp khí thì nguy cơ thị trường gas sẽ “loạn” là khó tránh. Theo vị giám đốc này, ngay cả khi vẫn duy trì Nghị định, tình trạng nạp gas chui vẫn còn diễn ra, thì không loại trừ việc khi các quy định trong Nghị định được sửa đổi thì thực trạng vi phạm còn bất cập đến mức nào.
Trao đổi tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban pháp chế VCCI - cho rằng, việc sửa đổi Nghị định cần theo hướng thị trường hơn. Nhà nước không thể đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp. Cần đưa ra thông điệp mạnh mẽ là các DN làm ăn minh bạch thì có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh, ngược lại, doanh nghiệp nào không kinh doanh đứng đắn sẽ chịu quản lý pháp luật. "Các ý kiến đóng góp của DN tại hội thảo hôm nay sẽ được VCCI tập hợp, báo cáo đầy đủ tới Bộ Công Thương" - ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.