Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) cho biết, cách đây 5 năm, Nghị định 09/2016 của Chính phủ quy định “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” và quy định “Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”. Tuy nhiên, thực tế các quy định này đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, làm tăng chi phí và giảm năng lực cạnh tranh của DN nhưng lại thiếu hiệu quả và không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi về quy định tăng cường vi chất trong chế biến thực phẩm |
Các DN cũng đã có bằng chứng khoa học chứng minh rằng, khi áp dụng quy định “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” vào một số loại thực phẩm như sản phẩm thủy sản; rau củ quả sấy khô, thịt gia cầm sấy, các sản phẩm từ ngũ cốc sấy; các loại bột gia vị, bột chế biến sẵn để làm các loại bánh ngọt... khi bổ sung vào thực phẩm và trải qua quá trình chế biến với nhiệt, ẩm và bảo quản thì I-ốt dễ dàng phản ứng với các thành phần trong thực phẩm làm các sản phẩm bị biến mùi, vị, màu sắc, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm.
Do đó, việc tăng cường I-ốt sẽ làm gia tăng nhiều chi phí sản xuất, giá thành của sản phẩm nhưng thành phẩm sau cùng cũng không có hoặc chỉ có rất ít I-ốt hay đối với một số nhóm hàng như sản xuất nước mắm truyền thống thì nguyên liệu chính sử dụng là cá biển đã rất giàu I-ốt, việc yêu cầu bổ sung I-ốt không chỉ gây tốn kém, làm biến đổi màu, vị của nước mắm mà còn không có lợi cho sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu (XK) chính không chấp nhận thực phẩm có bổ sung I-ốt, khiến doanh nghiệp phải có chứng nhận không sử dụng muối I-ốt mới xuất đi được, điển hình như Nhật Bản và khiến DN rất tốn kém khi phải điều chỉnh quy trình sản xuất phù hợp để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và XK.
Bà Huỳnh Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Bột Mì cũng cho biết, khi thực hiện quy định “bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”, DN cũng gặp rất nhiều khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu, do Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn bột mỳ từ các quốc gia khác. Ở các nước XK bột mỳ không có quy định phải bổ sung sắt, kẽm vào bột nên khi các DN nhập khẩu đề nghị bổ sung thêm vi chất sắt và kẽm, thì không được nhà cung cấp chấp thuận.
Sau khi nhập khẩu, DN phải nhập bột mỳ và tiến hành bổ sung vi chất sắt, kẽm trước khi đưa vào sản xuất, đã làm gia tăng rất lớn chi phí và giá thành của sản phẩm. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất một số sản phẩm từ bột mỳ có bổ sung sắt và kẽm, thành phẩm sẽ bị biến màu, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của sản phẩm.
Hơn nữa, tại một số thị trường XK, khách hàng sẽ từ chối một số sản phẩm có bổ sung I-ốt và sản phẩm làm từ bột mỳ có bổ sung sắt, kẽm, ảnh hưởng mạnh đến doanh số, lợi nhuận của DN và một số tình huống còn tác động sâu rộng đến việc XK của cả ngành hàng chế biến thực phẩm Việt Nam tại thị trường các nước nhập khẩu.
Doanh nghiệp chế biến nước mắm khẳng định, việc bổ sung thêm I-ốt vào muối dùng trong quá trình ủ chượp nước mắm truyền thống Phú Quốc sẽ làm thay đổi chất lượng nước mắm về màu và mùi |
Tương tự, bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc nhìn nhận, DN sản xuất nước mắm gặp rất nhiều khó khăn, bất cập khi bổ sung vi chất I-ốt vào muối dùng để chế biến nước mắm theo Nghị định 09. Cụ thể, làm thay đổi chất lượng nước mắm về màu và mùi, ảnh hưởng đến việc châu Âu bảo hộ chỉ dẫn địa lý với quy trình ủ chượp chỉ có cá và muối. Đồng thời, hiện tại nước mắm Phú Quốc đã được Bộ văn hóa và thể thao công nhận là di sản phi vật thể tri thức dân gian cấp quốc gia, những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến một nghề gia truyền được đã gìn giữ hơn 200 năm.
Tiếp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 09
Để tháo gỡ triệt để khó khăn cho DN, các Hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp thực phẩm đã tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế xem xét và sửa đổi Nghị định 09. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/2018, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo hướng: Bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”; bãi bỏ quy định “bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng các vi chất nêu trê, nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có Nghị định sửa đổi, thay thế chính thức Nghị định 09 như chỉ đạo Chính phủ.
Các DN tại hội thảo đều cho rằng, nếu không tháo gỡ triệt để những bất cập của Nghị định 09 thì hệ quả của việc này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín riêng, thương hiệu của DN sản xuất trong nước mà sẽ tác động sâu rộng đến việc XK của cả ngành hàng chế biến thực phẩm Việt Nam tại thị trường các nước nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid 19 ngày càng diễn biến kéo dài và phức tạp.
Bà Lý Kim Chi khẳng định, trong suốt hơn 3 năm qua, Bộ Y tế vẫn không trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, thay thế Nghị định 09 theo đúng tinh thần Nghị quyết 19/2018. Đặc biệt, ngày 14/9/2021 Bộ Y tế lại ban hành Công văn số 7658 gửi các Hiệp hội, các DN thực phẩm và tiếp tục yêu cầu DN thực hiện nghiêm Nghị định 09 và gần đây nhất, Bộ Y tế lại đang tiến hành xây dựng dự thảo Kế hoạch tăng cường thực thi Nghị định 09.
“Hiệp hội và cộng đồng DN ngành chế biến thực phẩm băn khoăn, lo lắng, bởi một ngày Nghị quyết 09 chưa được sửa đổi, bổ sung thì ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và XK của DN. Mặt khác, việc bắt buộc tất cả các DN chế biến thực phẩm phải bổ sung vi chất sẽ đồng nghĩa với việc tất cả những người đủ hoặc thừa I-ốt phải sử dụng thực phẩm bổ sung vi chất này là đang đi ngược với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và dẫn đến nguy cơ tổn hại sức khỏe cho nhóm đối tượng này ” - bà Lý Kim Chi bày tỏ.
Tại hội thảo, từ đánh giá kết quả tác động trong 5 năm thực hiện việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào chế biến thực phẩm, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN làm cơ sở lý luận. Các hiệp hội thống nhất tiếp tục kiến nghị Chính phủ quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi, thay thế Nghị định 09 theo đúng tinh thần Nghị quyết 19/2018 Chính phủ đã ban hành. Qua đó, tiếp tục hỗ trợ cho các DN giải quyết triệt để khó khăn, yên tâm phục hồi sản xuất và phát triển.