Doanh nghiệp thành lập mới giảm, giải thể tăng
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát làm cho tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong 02 tháng qua diễn biến hết sức phức tạp, tác động mạnh đến mọi mặt đời sống của người dân và tất cả lĩnh vực sản xuất kinh doanh của DN.
Kiến nghị DN được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ cho DN “3 tại chỗ” mức cao hơn về thuế hiện hành |
Đầu tháng 7/2021 đến nay, thành phố tiến hành áp dụng Chỉ thị 16 để phòng chống dịch, số DN đăng ký thành lập cũng sụt giảm mạnh. Tính riêng trong tháng 7/2021 chỉ có 1.126 đơn vị thành lập với vốn đăng ký là 16.030 tỷ đồng, số giấy phép giảm 47,3% và vốn đăng ký giảm 86,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung trong 7 tháng/2021, thành phố đã cấp phép 20.906 DN với tổng vốn đăng ký 350.403 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy phép giảm 4,6% và vốn giảm 9,1%. Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có số lượng giấy phép là 15.418, chiếm 73,7% trong tổng số DN được cấp phép trong 7 tháng đầu năm, xấp xỉ cùng kỳ; vốn đăng ký 232.937 tỷ đồng, chiếm 66,5% tổng vốn, giảm 25,1%.
Cũng do ảnh hưởng dịch bệnh, trong 7 tháng/2021 TP. Hồ Chí Minh cũng có 23.199 DN rút lui khỏi thị trường, chiếm 29,1% tổng số của cả nước. Trong số này, có 12.071 DN tạm ngừng kinh doanh. Đây là kỷ lục về số lượng DN phải tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2021.
Đánh giá của Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, dịch Covid-19 đã làm trên 70% DN bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động, đa số DN khác đều giảm từ 50- 90% doanh thu so với thời điểm trước dịch bệnh. Bên cạnh đó, do chưa thể đáp ứng thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) trong một thời gian quá ngắn theo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh nên nhiều DN đã phải tạm ngừng hoạt động.
Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tình hình kinh doanh của các DN trong quý 3/2021 đang xấu hơn rất nhiều. Nhiều DN trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải... đang chết dần, chết mòn và có nhiều khả năng nhiều DN trong khu vực này không có khả năng vực dậy sau đại dịch nếu như không có biện pháp hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ cho khu vực này.
Kiến nghị cho doanh nghiệp được vay lãi suất 0% và giảm thuế
Trước rất nhiều khó khăn của cộng đồng DN do ảnh hưởng từ dịch bệnh, Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh (HUBA) vừa kiến nghị các giải pháp hỗ trợ DN với UBND TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, HUBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để dự trữ nguyên liệu, vật tư, hàng hóa dành cho các DN sản xuất, phân phối hàng hóa thiết yếu nhằm bình ổn thị trường. Những DN hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”… cần được hỗ trợ vốn cao hơn mức hỗ trợ hiện tại và đơn giản hóa thủ tục vay.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cần phối hợp nhanh với các ban ngành, địa phương triển khai hỗ trợ DN được vay lãi suất 0%, không phải bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Hiệp hội cũng kiến nghị Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, chủ động triển khai đến DN về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, thủ tục phải đơn giản kịp thời. Đồng thời đề nghị Chính phủ chấp thuận để DN được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ cho DN “3 tại chỗ” mức cao hơn về thuế hiện hành.
Từ phía Sở Công Thương nên phân loại DN thành 3 nhóm (phá sản, tạm dừng, đang hoạt động) để từ đó đề xuất chính sách phù hợp. Đồng thời có nhiều giải pháp giúp DN mở rộng thị trường như tham gia các hội chợ trực tuyến do các tổ chức nước ngoài triển khai, gặp gỡ các hiệp hội và nhà đầu tư nước ngoài để chia sẻ tháo gỡ khó khăn, nghiên cứu thành lập chuỗi phân phối sản phẩm trên địa bàn thành phố để hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa...
Bên cạnh đó, để giải quyết ngay những khó khăn về vốn cho DN, Hiệp hội Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh mới đây đã ký đồng thuận với 16 ngân hàng thương mại lớn ở thành phố sẽ giảm lãi suất cho các khách hàng đang vay. Dự kiến, sẽ có khoảng 400.000 khách hàng DN trên địa bàn sẽ được giảm lãi suất lần này. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tùy mức độ thiệt hại của DN, mức giảm lãi suất có thể dao động từ 0,5 - 2,5%; mức giảm trung bình là 1%/năm. Việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng, tổ chức dụng trên địa bàn sẽ được đưa vào hoạt động giám sát từ nay đến cuối năm.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).