![]() |
Các doanh nghiệp đặt câu hỏi: Tại sao chủ trương đến sớm, tích cực, quyết liệt nhưng doanh nghiệp mãi không tiếp cận được. |
Chủ trương quyết liệt nhưng doanh nghiệp mãi không tiếp cận được, vì sao?
Tại tọa đàm “Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Góc nhìn thực tế từ doanh nghiệp và sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước”, do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) tổ chức ngày 17/7 tại TP. Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp cho biết đã được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để hạn chế, khắc phục thiệt hại do Covid – 19, tuy nhiên, các chính sách này cũng còn rất nhiều bất cập và số lượng doanh nghiệp được hưởng lợi, mức độ hưởng lợi còn rất “nhỏ giọt”.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh trong và sau dịch Covid – 19, Chính phủ cùng các Bộ, ban ngành đã có nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như tín dụng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ”, chính sách thuế (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất); chính sách về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động....
Theo các doanh nghiệp, các chính sách, chủ trương của Chính phủ là kịp thời, tích cực, quyết liệt. Và đến hiện tại, một số doanh nghiệp đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ trên. Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty Hương Quế cho biết, bản thân doanh nghiệp đã được hưởng lợi rất đầy đủ các khoản vay mới (giảm lãi vay đối với khoản vay mới). Còn ông Trịnh Bằng Có – Giám đốc Công ty CP Phương Đông Việt thì cho biết doanh nghiệp được hỗ trợ rất tốt về chính sách thuế.
Dù vậy, số doanh nghiệp được hưởng lợi từ các chính sách còn rất hạn chế, thậm chí với những doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách rồi thì mức độ hưởng lợi rất khiêm tốn. Khảo sát trong tháng 4 vừa qua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho kết quả mới chỉ có 2,9% số doanh nghiệp chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách.
Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, việc thực thi các chính sách hỗ trợ còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn. “Có những chính sách hỗ trợ ban hành với điều kiện tiếp cận rất cao vô hình chung tạo ra rào cản mà không doanh nghiệp nào có thể tiếp cận được cho dù doanh nghiệp muốn”, ông Quang nói.
![]() |
Ông Trịnh Bằng Có cho rằng điều kiện cho để người lao động thụ hưởng chính sách hỗ trợ như quyết định 15/2020 cần linh động thời gian nghỉ việc từ tháng 2, chứ không nhất thiết phải từ 01/4 |
Vấn đề được các doanh nghiệp “kêu” nhiều nhất chính là không tiếp cận được chính sách hỗ trợ cho người lao động nghỉ việc. Ông Trịnh Bằng Có cho biết doanh nghiệp đang mất dần uy tín đối với người lao động bởi doanh nghiệp không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ cho lao động nghỉ việc theo quyết định 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ, do quy định phải nghỉ việc từ ngày 01/4/2020. Trong khi doanh nghiệp du lịch đóng cửa tạm ngừng hoạt động từ tháng 2/2020.
Ông Lê Minh Dõng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Viettrolimex Đà Nẵng cho biết : Viettrolimex Đà Nẵng dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng đảm bảo 50% công việc cho người lao động. “Dù lương có giảm, doanh nghiệp khó khăn đủ bề nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để người lao động có thu nhập. Vậy đó là chúng tôi sáng tạo, có sức chống chịu, chúng tôi làm tốt, thế tại sao Chúng tôi không được thụ hưởng bất kỳ một chính sách nào liên quan đến bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động?”, ông Dõng thắc mắc và cho rằng doanh nghiệp hiện đang rất băn khoăn và bị dao động niềm tin vào việc thực hiện các chính sách. “Mong muốn của chính phủ là hỗ trợ cho lực lượng lao động. Nhưng hiện tại tỷ lệ doanh nghiệp, người lao động hưởng lợi còn quá ít. Không phải chính sách dở mà con người thực hiện có vấn đề”, ông Dõng thẳng thắn.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Sơn đặt câu hỏi: “Chủ trương đến sớm, tích cực, quyết liệt nhưng mức hưởng lợi, tiếp cận của doanh nghiệp quá chậm. Lý do ở đâu: Là do hướng dẫn, tổ chức thực hiện, ứng phó có phải lúng túng hay không?". Ông Lê Trường Kỷ - Đại diện Hội doanh nhân Trẻ Đà Nẵng đặt tiếp vấn đề: “Bây giờ tâm lý lo sợ, sợ sai bao trùm lên đội ngũ cán bộ công chức, viên chức Đà Nẵng. Có phải do tâm lý an toàn của đội ngũ này khiến các chính sách mãi không đến được với doanh nghiệp?”
![]() |
Phải chăng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thực sự sát thực tiễn, người triển khai hỗ trợ doanh nghiệp còn trong tâm lý "an toàn" nên chính sách chưa đi vào hỗ trợ doanh nghiệp thực chất? |
Nguồn lực nhà nước có hạn, nên chăng hỗ trợ có chọn lọc?
Đề xuất được rất nhiều doanh nghiệp tán đồng tại buổi tọa đàm chính là cần thiết phải hỗ trợ doanh nghiệp có chọn lọc.
Đại diện Công ty CP Dệt may Hòa Thọ thông tin đơn vị này đã cố gắng đảm bảo việc làm cho 12.000 lao động. “Chúng tôi không trông vào chính sách, nhưng không phải không muốn tận dụng các chính sách, bởi thực chất doanh nghiệp rất khó khăn, nhưng rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ cho người lao động”, đại diện Công ty này cho hay. “Các điều khoản của quyết định hỗ trợ cho người lao động không hợp lý, không công bằng giữa các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp như chúng tôi gặp khó khăn vẫn cố gắng duy trì hoạt động hoặc chỉ đóng cửa một số bộ phận , cố gắng duy trì việc làm thu nhập cho người lao động. Vậy thì phải ghi nhận đó là doanh nghiệp có năng lực, có tính bền vững. Nhưng chúng tôi không hề được hưởng hỗ trợ”, đại diện công ty nói. “Doanh nghiệp không muốn chấm dứt hợp đồng lao động với bất kỳ lao động nào, vì người lao động và vì hoạt động của công ty trong tương lai. Vậy phải chăng với những doanh nghiệp có năng lực thì phải có hỗ trợ để họ có điểm tựa vực dậy. Hỗ trợ thì phải hỗ trợ thực chất”, đại diện Công ty Hòa Thọ kiến nghị.
![]() |
Ông Lê Minh Dõng đặt câu hỏi: Tại sao các doanh nghiệp cố gắng để giữ việc làm cho người lao động có thu nhập, cố gắng để có doanh thu (giảm lỗ), đó là doanh nghiệp bền vững lại không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ cho người lao động |
Một đại diện doanh nghiệp (xin giấu tên) tiếp lời và phân tích cụ thể: Quyết định 15/2020 quy định về điều kiện hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương khi có đủ rất nhiều điều kiện. Trong đó, có điều kiện phải “Làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của doanh nghiệp, số dư đến ngày 31 tháng 3 năm 2020) do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19”. “Quy định này là rất bất hợp lý, cứng nhắc, chỉ có doanh nghiệp chết mới không có doanh thu. Chứ doanh nghiệp nào không cố gắng có được đồng nào tốt đồng đó. Doanh nghiệp nào nỗ lực duy trì tức là có yếu tố bền vững, thì phải hỗ trợ chứ, chứ quy định như vậy thì không có doanh nghiệp nào tiếp cận được là điều dễ hiểu”, đại diện doanh nghiệp bức xúc.
Theo ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch HH Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng cần phải có sự rõ ràng trong hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể. Xác định hỗ trợ doanh nghiệp nào. “Nên chăng cần có sự hỗ trợ chọn lọc hơn. Trong đó, ưu tiên những doanh nghiệp có năng lực. Đã là doanh nghiệp phải xoay sở để có doanh thu mới giảm lỗ, thì những doanh nghiệp đó cần phải được hỗ trợ”, ông Bình kiến nghị.
Ông Nguyễn Tiến Quang thì cho rằng vẫn còn nhiều “hạt sạn lớn” trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. “Cần phải hiểu doanh nghiệp, sức khỏe doanh nghiệp thế nào để hỗ trợ. Nguồn lực của Nhà nước không thể cứu được tất cả, vậy có nên ưu tiên cứu doanh nghiệp nào. Nên chăng cần ban hành chính sách có tính chọn lọc doanh nghiệp cao hơn theo hướng ưu tiên doanh nghiệp có tính bền vững, có sức chống chịu, thích ứng”, ông Quang nói.
![]() |
Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng nên chăng sự hỗ trợ doanh nghiệp cần phải có tính chọn lọc, trong đó, ưu tiên những doanh nghiệp có sức chống chịu, có tính bền vững, hơn là triển khai đại trà nhưng không hiệu quả |
Thông tin tại Tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Đà Nẵng – ông Nguyễn Văn An cho biết: Sở đã rất quyết liệt và 3 lần gửi văn bản ra Bộ LĐTBXH đề nghị vẫn giải quyết hỗ trợ cho người lao động làm việc ở các doanh nghiệp cho nghỉ việc từ tháng 2. “Nhưng Bộ trả lời dứt khoát là không được. Bắt buộc phải từ 01/4”, ông An nói. Đối với chính sách bảo hiểm xã hội, hiện còn mâu thuẫn trong thủ tục giữa Bộ LĐTBXH với Bộ Tài chính. “Chúng tôi (Sở LĐTBXH) rất xót, chúng tôi nhận được 119 hồ sơ nhưng chỉ giải quyết được 16 hồ sơ. ”- ông An nói.