Đoàn công tác làm việc tại công ty Xuân Hòa |
Thực hiện nghiêm việc ghi chỉ số và hóa đơn
Báo cáo với đoàn công tác tại miền Bắc, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, ngay sau khi có quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện của Bộ Công Thương, EVNNPC đã có văn bản số 1049/EVNNPC-KD ngày 20/3/2019 hướng dẫn, chỉ đạo các CTĐL triển khai thực hiện giá bán điện mới. Trong đó có chỉ đạo niêm yết biểu giá công khai bằng nhiều hình thức; thông báo cho khách hàng; thực hiện chốt chỉ số công tơ, phúc tra chỉ số công tơ sau đổi giá bán điện.
Trong ngày đổi giá, các công tơ ngoài mục đích sinh hoạt đều thực hiện chốt chỉ số công tơ theo quy định. Sau khi chỉ số được cập nhập vào hệ thống quản lý thông tin khách hàng, đã thực hiện nhắn tin thông báo chỉ số chốt cho khách hàng qua tin nhắn SMS. Trong tháng đổi giá bán tất cả hóa đơn bán điện cho khách hàng được lập, tính toán, phát hành bằng hệ thống phần mềm quản lý thông tin khách hàng dùng chung áp dụng trong EVN.
Ông Đỗ Văn Năm – Phó ban kinh doanh của EVNNPC cho biết, các đơn vị đã thực hiện chốt chỉ số 1,01 triệu công tơ ngoài mục đích sinh hoạt theo đúng quy định, đạt tỷ lệ 100%, trong đó chốt đo xa 57.530 công tơ chiếm 5,68% tổng số công tơ cần chốt; tổ chức phúc tra công tác chốt chỉ số công tơ đổi giá 70.616 công tơ.
"EVNNPC đã tổ chức tốt công tác chốt chỉ số công tơ khi thay đổi giá bán điện, hạ tầng Công nghệ thông tin và công tác vận hành CMIS 3.0 vận hành tốt nên việc phát hành hóa đơn chính xác, kịp thời"- ông Năm báo cáo thêm.
Đại diện công ty Giầy Phúc Yên chia sẻ với đoàn kiểm tra Bộ Công Thương |
Không quá lo ngại
Khi được hỏi về tác động của việc tăng giá điện đến chi phí sản xuất, các doanh nghiệp đều cho rằng có ảnh hưởng nhưng không tác động nhiều vì điện chỉ là một phần trong chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào của quá trình sản xuất. Các công ty đều đã có phương án đối phó khắc phục. Trong đó có việc tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện.
Ông Ngô Anh Tuấn – Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty Jafa (chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi) cho biết, doanh nghiệp có vốn 100% nước ngoài, có nhiều cơ sở sản xuất tại miền Bắc cũng như cả nước, nhu cầu sử dụng điện rất cao. Tại khu vực miền Bắc, tổng chi phí điện hàng tháng khoảng 5 tỷ đồng/tháng; riêng khu vực sản xuất tại nhà máy ở Hương Canh (Vĩnh Phúc) chi phí điện khoảng 1 tỷ đồng/tháng.
Sau khi có quyết định điều chỉnh giá bán điện của Bộ Công Thương, điện lực Bình Xuyên đã thông tin kịp thời và phối hợp với công ty chốt chỉ số công tơ trong ngày 20/3/2019 để làm cơ sở tính toán hóa đơn tiền điện. Việc ghi chỉ số được thực hiện tự động bằng công tơ đo xa nên không có sai sót gì. Hóa đơn so với tháng trước cũng tăng khoảng trên 8%.
Ông Lê Duy Anh – Tổng giám đốc Công ty Xuân Hòa (Vĩnh Phúc) chia sẻ, sản lượng tiêu thụ điện bình quân của công ty khoảng từ 300.000 – 400.000 kWh/tháng. Chi phí điện sau khi có quyết định tăng giá khoảng 570 triệu đồng, tăng khoảng 50 triệu (khoảng 8%) so với tháng trước liền kề.
Nhìn chung điện lực địa phương đã thực hiện đúng quy định theo hợp đồng ký kết giữa hai bên; Mọi thông tin liên quan đến tăng giá điện đã được công bố công khai minh bạch cho đơn vị.
Doanh nghiệp đã tăng cường nhiều giải pháp tiết kiệm điện, nâng cao hiệu quả sản xuất |
Đánh giá về công tác triển khai Quyết định điều chỉnh giá điện mới của Bộ Công Thương, ông Lê Đình Dũng – Phó giám đốc công ty Giầy Phúc Yên cho biết, công ty điện lực Vĩnh Phúc đã thực hiện đúng các quy định về chốt chỉ số, xuất hóa đơn.
Hiện, mỗi tháng công ty chi phí khoảng 300 triệu tiền điện (hơn 3 tỷ một năm). Việc tăng giá cũng có tác động đến đời sống, chi phí của doanh nghiệp nhưng với số tăng 8,36%, công ty vẫn có thể "co kéo" được.
Tại buổi làm việc với Tổng công ty May 10 (Gia Lâm - Hà Nội), ông Bạch Thăng Long - Phó Tổng giám đốc cho biết, sau khi có quyết định của Bộ Công Thương, đơn vị đã được điện lực Long Biên thông báo đầy đủ thông tin, thông báo chốt chỉ số và thực hiện áp giá theo quy định.
Trung bình mỗi năm, toàn đơn vị tiêu thụ 14-15 triệu kWh với chi phí tiền điện khoảng 25-26 tỷ đồng/năm. Khi thay đổi giá, số tiền phải trả thêm khoảng 2,5 tỷ đồng. Việc tăng giá cũng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất song không "quá lo ngại".