Tăng cường kết nối phát triển ứng dụng và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu |
Thống kê từ Bộ KH&CN cho thấy, hiện cả nước có 386 DN được cấp giấy chứng nhận DN KHCN. Bên cạnh đó, có 43 tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao và hơn 2.000 DN đạt điều kiện DN KHCN trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Năm 2018, các DN KHCN đã giải quyết hơn 22.738 việc làm cho xã hội với tổng doanh thu đạt 105.771,7 tỷ đồng (trong đó, doanh thu từ các sản phẩm hình thành từ kết quả KHCN là 10.349,6 tỷ đồng).
Hiện nay, các DN KHCN nhận được nhiều hỗ trợ, ưu đãi về thuế, tín dụng, hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả nghiên cứu KHCN. Đặc biệt, khi Nghị định 13/2019/NĐ- CP về DN KHCN được ban hành, đã giảm bớt các điều kiện chứng nhận DN KHCN không cần thiết, gây khó khăn cho DN như đơn giản hóa việc chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp đối với kết quả KHCN bằng quy định DN có thể tự cam kết về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với kết quả KHCN... DN hoàn thành quá trình ươm tạo, làm chủ công nghệ từ kết quả KHCN và chú trọng việc đánh giá tính ứng dụng của sản phẩm; khuyến khích DN có kết quả nghiên cứu thuộc mọi lĩnh vực KHCN đều có thể chứng nhận DN KHCN...
Với Nghị định mới được ban hành cũng hướng dẫn cách xác định tiêu chí dự án đầu tư mới, quy định thẩm quyền xác định dự án đầu tư mới và trách nhiệm các cơ quan trong việc hỗ trợ DN, khó khăn của những DN KHCN sẽ được giải quyết hiệu quả.
Để hỗ trợ tài chính, DN KHCN được sử dụng Quỹ phát triển KHCN của DN và các nguồn huy động hợp pháp khác để thương mại hóa kết quả KHCN. Cùng đó, DN KHCN được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả KH&CN, tài sản trí tuệ của Nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hoàng Trung - CEO Công ty Cổ phần Kỹ thuật Ý Tưởng, DN cần có những hướng dẫn cụ thể trong thực hiện các thủ tục nhằm nhận được ưu đãi, nhất là vấn đề thuế, hỗ trợ tài chính... Ngoài ra, DN cũng mong có hỗ trợ để các sản phẩm KHCN có thể tham gia sâu hơn vào thị trường KHCN và các dự án đầu tư công.
TP. Hồ Chí Minh đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực dành cho DN KHCN, như: Hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu; khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ DN phát triển thị trường KHCN. Điển hình là việc đi vào hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) DN KHCN TP. Hồ Chí Minh gần đây. Theo ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó giám đốc Sở KHCN TP. Hồ Chí Minh, CLB là mối liên kết giữa DN KHCN với các ngành nghề khác nhằm tạo ra một hệ sinh thái bền vững. Sở KHCN rất sẵn sàng hỗ trợ các DN đăng ký, phát triển các sản phẩm nhưng DN cũng cần phát triển, sáng tạo những sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu thị trường. Đến nay, thành phố cũng cam kết hỗ trợ, đầu tư vào các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) của DN với tỷ lệ 1-1. Kinh phí hỗ trợ tối đa là 1 tỷ đồng đối với nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Ưu tiên hàng đầu của Bộ KH&CN là khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ DN. Thu hút chọn lọc có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong tình hình mới thông qua các dự án, nhiệm vụ hợp tác KHCN, ưu tiên dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiềm năng đóng góp, lan tỏa, chuyển giao công nghệ, liên kết với DN trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. |